Đường thủy sẽ có thêm nhiều thiết bị tự động mới
Ngày 11/12, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đơn vị này đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo dưỡng thường xuyên luồng, hành lang bảo vệ luồng đường thủy và hệ thống báo hiệu, thiết bị phục vụ giao thông đường thủy.
Kiểm tra, bảo dưỡng phao dẫn luồng đường thủy sông Hồng có đèn tín hiệu ban đêm gắn định vị vệ tinh GPS.
Đáng chú ý, dự thảo lần đầu bổ sung tiêu chuẩn, quy trình bảo dưỡng đối với các thiết bị mới đang được thử nghiệm: trạm đọc mực nước tự động, hệ thống nhận dạng phương tiện thủy tự động AIS, đèn tín hiệu sử dụng năng lượng mặt trời gắn định vị vệ tinh GPS, phao đường thủy làm bằng vật liệu nhựa PE…
Khi được lắp đặt các thiết bị mới phải phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc bảo dưỡng phải tuân thủ đúng quy trình lập thành biên bản, ghi chép nhật ký; phương tiện, thiết bị kỹ thuật dùng để bảo dưỡng nằm trong danh mục được quy định, có máy tính sử dụng phần mềm chuyên dụng và tuân thủ quy trình bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, trên hệ thống đường thủy quốc gia đang được thí điểm lắp 55 trạm giám sát tự động phương tiện AIS, 63 trạm đo mực nước tự động; hơn 2.500 đèn tín hiệu trên phao sử dụng năng lượng mặt trời và gắn định vị vệ tinh GPS để quản lý giám sát tự động tín hiệu và vị trí từ hệ thống máy chủ; camera giám sát điều tiết giao thông, hàng chục phao nhựa PE thay thế cho phao sắt...
Hệ thống thiết bị mới trên nhằm chuyển đổi quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy theo hướng tự động hóa, trực tuyến báo hiệu, tín hiệu đường thủy để thông báo sớm nhất sự thay đổi mực nước; phát hiện hoặc xử lý kịp thời các trường hợp đèn mất tín hiệu, phao dẫn luồng sai lệch vị trí... giúp bảo đảm luồng tuyến thông suốt 24/24h.
Tuy vậy, để chính thức đưa hệ thống thiết bị mới vào phục vụ giao thông thủy cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng thiết bị, quy trình bảo dưỡng thường xuyên để làm căn cứ đánh giá, quản lý nghiệm thu chất lượng bảo trì thường xuyên.
Thiên Thanh (T/h)