Giá trị thương hiệu Viettel tăng trưởng 8 năm liên tiếp, đạt hơn 8,9 tỷ USD năm 2023
Theo báo cáo Global 500 năm 2023 do Brand Finance (Anh) công bố, thương hiệu Viettel của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội có giá trị lên tới 8,902 tỷ USD, tăng 144 triệu USD so với năm 2022.
Giá trị thương hiệu Viettel tăng trưởng 8 năm liên tiếp, đạt hơn 8,9 tỷ USD năm 2023.
Theo đó, giá trị mới của thương hiệu Viettel gấp 9,1 lần con số lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng thương hiệu giá trị nhất toàn cầu của tổ chức này năm 2016. Như vậy, Viettel tiếp tục chuỗi 8 năm liên tiếp tăng giá trị thương hiệu ngay cả trong bối cảnh ngành viễn thông gặp nhiều khó khăn và chứng kiến sự đi xuống của các thương hiệu viễn thông lớn.
Là thương hiệu Việt Nam và thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finnance, Viettel tiếp tục giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông giá trị nhất tại Đông Nam Á, tiến lên vị trí thứ 9 tại Châu Á và 17 trên thế giới.
Trong 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2023, chỉ có 30 tập đoàn viễn thông trên toàn cầu nằm trong danh sách, chiếm 6,7%, giảm 6 thương hiệu so với năm 2022. Bảng xếp hạng năm nay có sự góp mặt của 48 thương hiệu công nghệ, giảm 2 thương hiệu so với năm 2022. Nhiều thương hiệu dẫn đầu trong nhiều năm đều bị sụt giảm về giá trị thương hiệu.
Tháng 9 năm ngoái, thương hiệu Viettel được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5% so với năm trước). Giá trị thương hiệu của Viettel cao gấp 3 lần VNPT (2,9 tỷ USD) và Vinamilk (2,8 tỷ USD), 2 thương hiệu lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng.
Đại diện Viettel cho biết, tăng trưởng về thương hiệu đến từ thành tựu sản xuất kinh doanh tăng 6,1% trong năm 2022 của doanh nghiệp này với doanh thu hợp nhất đạt 163.800 tỷ đồng. Đóng góp vào tăng trưởng toàn diện của tập đoàn này đến từ tất cả các lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số, và sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Mức tăng trưởng doanh thu 6,1% đem lại cho Viettel lợi nhuận trước thuế lên tới 43.100 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng tương đương đóng góp năm 2019 – trước đại dịch Covid của tập đoàn.
Nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được Viettel duy trì khi tiếp tục giữ vững với 54% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông Viettel bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.
Đáng chú ý, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng), tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông.
Đặc biệt, nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 của Viettel lên tới gần 500 triệu USD - cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.
Minh Thùy (T/h)