Giảm thuế LNG: Đòn bẩy thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

10:59, 15/04/2025

Động thái giảm thuế LNG thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách hài hòa, bảo đảm lợi ích cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) đã được giảm từ 5% xuống 2%, theo tinh thần của Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ban hành ngày 31/3/2025. Đây là một bước tiến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu xanh, sạch và thân thiện với môi trường như LNG. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình này, việc tháo gỡ các rào cản chính sách vẫn cần tiếp tục được triển khai.

Khuyến khích đầu tư trong chuỗi LNG nhập khẩu

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nhận định việc giảm thuế nhập khẩu LNG mang lại tác động tích cực, thúc đẩy đầu tư trong chuỗi dự án LNG. Các doanh nghiệp như PV GAS và PV Power sẽ hưởng lợi, từ nhập khẩu LNG đến phát triển nhà máy điện.

Chính sách giảm thuế này cũng thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và các hộ tiêu thụ điện, góp phần xây dựng cơ chế giá điện hợp lý. Đồng thời, nó khuyến khích đầu tư vào hạ tầng LNG, đảm bảo nguồn cung khí dài hạn.

Theo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam dự kiến phát triển 23 dự án điện khí đến năm 2030, trong đó 13 dự án sử dụng LNG nhập khẩu với tổng công suất khoảng 22.400 MW. Việc triển khai các dự án này không chỉ tăng cường nguồn điện quốc gia mà còn hỗ trợ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Hiện tại, Nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3 của PV Power đã hòa lưới điện quốc gia và dự kiến vận hành thương mại trong năm nay. PV Power đặt mục tiêu đưa cả Nhơn Trạch 3 và 4 vào hoạt động trong năm 2025. Để đảm bảo nguồn LNG cho phát điện lâu dài, PV GAS và PV Power đã ký hợp đồng cung cấp LNG trong 25 năm.

Trong bối cảnh nguồn khí nội địa suy giảm, PV GAS tập trung đầu tư vào kho cảng LNG nhập khẩu nhằm ổn định nguồn cung cho sản xuất điện và công nghiệp. Việc giảm thuế nhập khẩu LNG được đánh giá là một quyết sách tích cực, hỗ trợ việc đảm bảo nguồn cung với giá hợp lý cho các nhà máy điện LNG và các hộ tiêu thụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đẩy mạnh hoàn thiện và điều chỉnh chính sách

Việc giảm thuế nhập khẩu LNG là một bước tiến tích cực, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, để hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, cần một cơ chế chính sách đồng bộ và toàn diện. Cơ chế này phải bao trùm toàn bộ quá trình từ đầu tư, xây dựng hạ tầng, nhập khẩu cho đến sản xuất và kinh doanh LNG – đó mới là những điều kiện cần và đủ.

Đồng quan điểm, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) chia sẻ rằng doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách trong hoạt động kinh doanh LNG nhập khẩu. Cụ thể, hiện chưa có cơ chế bao tiêu sản lượng, cũng như chưa có quy định chuyển ngang giá LNG vào giá điện. Ngoài ra, các quy định chưa rõ ràng về chi phí đang gây trở ngại trong việc xác định tổng mức đầu tư, giá phát điện đầu ra, và làm chậm trễ quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại trong toàn bộ chuỗi giá trị LNG.

Về phía Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) – đơn vị đầu tư dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 – cũng cho biết loại hình nhiệt điện khí LNG nhập khẩu còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nên trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài. Theo đó, để đủ điều kiện vay vốn, dự án cần đảm bảo ba yếu tố then chốt: (1) cam kết sản lượng tiêu thụ tối thiểu, thường ở mức 70-80% theo thông lệ quốc tế; (2) cơ chế chuyển ngang giá LNG vào giá điện tương tự như khí tự nhiên do giá LNG không do Việt Nam kiểm soát; và (3) có mặt bằng sạch để xây dựng nhà máy và đường dây truyền tải điện do EVN đảm trách.

Cũng từ đại diện PV Power, các dự án LNG hiện nay buộc phải thành lập pháp nhân riêng, trong đó tự thu xếp 30% vốn chủ sở hữu, 70% còn lại vay ngân hàng và tự trả nợ mà không có bảo lãnh Chính phủ. Nếu không có hợp đồng mua bán điện (PPA) với cam kết bao tiêu sản lượng (Qc) rõ ràng, các tổ chức tín dụng sẽ không cấp vốn. Do đó, mấu chốt để tháo gỡ khó khăn là Nhà nước cần nhanh chóng ban hành cơ chế phù hợp cho thị trường LNG nhập khẩu.

Từ góc nhìn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nếu điện khí LNG nhập khẩu được huy động tương tự các nguồn điện khác mà không có ưu tiên cơ chế, sẽ rất khó thu hút đầu tư. Bởi lẽ, nhập khẩu LNG thường đi kèm hợp đồng dài hạn nhằm đảm bảo sản lượng và chi phí hợp lý – thấp hơn khoảng 73% so với hợp đồng ngắn hạn.

Nhằm thúc đẩy triển khai các dự án điện xanh và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ một số luật quan trọng như: Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường (trong đó có cơ chế kiểm đếm và quy đổi phát thải khí CO2), Luật Thuế, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, và Luật Đất đai...

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển thị trường điện phù hợp với các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII, tập trung xây dựng đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện, khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn; đồng thời đa dạng hóa đầu tư hạ tầng truyền tải điện phục vụ cả nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là hệ thống truyền tải cho điện khí LNG.

Đặc biệt, việc sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như Petrovietnam, EVN... là hết sức cấp thiết. Trong đó, cần xem xét các điều kiện thu xếp vốn cho những dự án không được Chính phủ bảo lãnh, đồng thời cho phép các tập đoàn sử dụng tài sản để thế chấp trong các hoạt động mua bán khí và điện thuộc chuỗi dự án điện khí LNG và các khách hàng tiêu thụ điện.

Việc giảm thuế nhập khẩu LNG không chỉ là cú hích quan trọng cho chuỗi giá trị LNG, mà còn thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng. Khi cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được dòng vốn chất lượng cao, phát triển bền vững ngành điện khí LNG, từ đó tiến gần hơn tới mục tiêu an ninh năng lượng và trung hòa carbon vào năm 2050.