Giăng “bẫy” việc làm, mặt tối của thị trường lao động số

07:46, 21/07/2025

Gần đây, trên các nhóm chia sẻ việc làm qua TikTok, Facebook, Zalo,... liên tục xuất hiện tin tuyển dụng hấp dẫn. Nhiều sinh viên và lao động phổ thông rơi vào “bẫy” việc làm tinh vi trên mạng xã hội chỉ sau vài cú nhấp chuột.

Rơi vào “bẫy” việc làm tinh vi trên mạng xã hội chỉ sau vài cú nhấp chuột

Chỉ cần truy cập vào một nhóm việc làm trên TikTok, Facebook hay Zalo,... người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt tin tuyển dụng với lời mời gọi hấp dẫn như: “Tuyển gấp nhân viên đóng gói tại nhà, không cần kinh nghiệm, thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/tháng” hay “Cộng tác viên bán hàng online làm việc tại nhà, không cần phỏng vấn”,… Những lời rao tưởng chừng như mở ra cánh cửa cơ hội cho sinh viên và lao động phổ thông nhanh chóng có việc làm, lại trở thành cái “bẫy” tinh vi giăng sẵn.

Gần đây, hàng loạt nạn nhân, đa số là sinh viên, người trẻ chưa có kinh nghiệm đã “sập bẫy” các tin tuyển dụng giả mạo, mất trắng hàng trăm nghìn đến vài triệu đồng chỉ sau vài cú nhấp chuột và tin nhắn chuyển khoản. Việc không thấy, còn tài khoản thì đã bị “rút ruột” bởi những kẻ lừa đảo nấp sau cái mác “nhà tuyển dụng uy tín”.

Nguyễn Thị Kim Hà, sinh viên năm 2 ở TP.HCM kể lại trải nghiệm đau đớn khi rơi vào “bẫy” tuyển dụng trá hình. Sau khi nộp 600.000 đồng để “giữ chỗ”, cô tiếp tục bị yêu cầu nộp thêm hàng trăm nghìn đồng cho thẻ ra vào, đồng phục. Đến lúc người tuyển dụng biến mất, Hà mới hiểu mình bị lừa.

Còn với Nguyễn Văn Khôi, sinh viên một trường cao đẳng nghề, cái “bẫy” tinh vi hơn. Tin vào một buổi phỏng vấn online chuyên nghiệp, có cả phông nền văn phòng, anh không ngần ngại chuyển khoản 1,2 triệu đồng mua đồng phục. Khi đến địa điểm hẹn, chỉ thấy... quán cà phê nhỏ không bảng hiệu.

Giăng bẫy việc làm, mặt tối của thị trường lao động số

Khi nền kinh tế số phát triển, hàng ngàn việc làm mới xuất hiện mỗi ngày trên không gian mạng. (Ảnh minh hoạ)

Theo thống kê từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.HCM, trong nửa đầu năm 2025, số vụ lừa đảo tuyển dụng trực tuyến có chiều hướng tăng mạnh. Đối tượng chủ yếu là sinh viên, lao động phổ thông, phụ nữ nội trợ và người cao tuổi, những nhóm có tâm lý dễ bị dẫn dắt.

Các chiêu trò ngày càng được “nâng cấp”: từ dựng fanpage giả, mạo danh công ty thật, sử dụng hình ảnh thương hiệu uy tín, thậm chí tổ chức phỏng vấn qua video call để tạo niềm tin. Tất cả nhằm dẫn dụ người tìm việc chuyển tiền “đặt cọc” và chiếm đoạt.

“Chúng lợi dụng tâm lý người lao động muốn có việc ngay, không có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là mong muốn thu nhập cao mà ít ràng buộc. Đây chính là lỗ hổng để tội phạm khai thác”, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực nhận định.

Cần thận trọng trước thị trường lao động số

Ông Dương Việt Linh, Giám đốc kinh doanh Việc Làm Tốt khuyến cáo: “Tuyệt đối không chuyển tiền trước, không gửi thông tin cá nhân nếu chưa xác minh doanh nghiệp. Người tìm việc nên kiểm tra thông tin qua trang web chính thức, gọi điện thoại đến tổng đài hoặc hỏi cộng đồng uy tín”.

Nhiều nạn nhân vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết đã vô tình cung cấp thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho kẻ gian tiếp tục lừa đảo dưới hình thức khác như giả danh người quen vay tiền, dụ đầu tư tài chính, thậm chí đánh cắp danh tính để mở tài khoản tín dụng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia bảo mật Viettel Cyber Security cho rằng các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn việc làm phải chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung tuyển dụng. Các sàn việc làm cần có cơ chế xác minh tài khoản người đăng tin, gắn nhãn tin “đã xác thực” và tăng cường AI lọc nội dung lừa đảo.

Công an TP.HCM cũng kêu gọi các trường học, báo chí, doanh nghiệp cùng vào cuộc để nâng cao nhận thức cộng đồng. Với hàng ngàn sinh viên sắp tốt nghiệp, kỳ nghỉ hè là “thời điểm vàng” của thị trường lao động, nhưng cũng là “mùa săn mồi” của các đối tượng xấu.

Khi nền kinh tế số phát triển, hàng ngàn việc làm mới xuất hiện mỗi ngày trên không gian mạng. Nhưng bên cạnh đó là những chiếc “bẫy” được ngụy trang kỹ lưỡng. Việc tăng cường hành lang pháp lý, xây dựng hệ sinh thái việc làm minh bạch, kiểm soát chặt nội dung trên nền tảng số là yêu cầu cấp bách.

Còn với mỗi người tìm việc, đặc biệt là người trẻ cần nhớ một điều đơn giản: công việc thật sẽ không yêu cầu bạn trả tiền trước để được làm việc. Trong thế giới việc làm số hóa, sự tỉnh táo là “tấm khiên” đầu tiên bảo vệ người lao động khỏi những cú lừa đầy đau đớn.