Google tắt tính năng cập nhật giao thông tại Ukraine

10:04, 02/03/2022

Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Google tạm thời vô hiệu hóa tính năng cập nhật trực tiếp tình hình giao thông của Google Maps.

Tính năng của Google Maps có thể gây nguy hiểm cho người dùng ở Ukraine.

Theo Reuters, động thái này của Google nhằm mục đích bảo vệ an toàn cho người dùng, bởi lo ngại các bên tham chiến có thể sử dụng tính năng để xác định vị trí của đối phương. Quyết định này được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của giới chức Ukraine. Bản đồ giao thông của Ukraine sẽ bị chặn truy cập trên toàn cầu. Tuy nhiên, lái xe tại địa phương vẫn có thể nắm được tình hình giao thông trực tiếp trên bản đồ định vị.

Dữ liệu cập nhật tình hình giao thông trực tiếp của Google Maps hoạt động bằng cách kết hợp thông tin vị trí và tốc độ từ điện thoại Android. Tính năng thông báo cho người dùng những nơi đang trong tình trạng ùn tắc giao thông.

Năm 2017, ứng dụng theo dõi sức khỏe Strava ra mắt loại bản đồ cho thấy các hoạt động của người dùng. App này vô tình tiết lộ vị trí các căn cứ quân sự của Mỹ khi binh lính dùng ứng dụng để theo dõi luyện tập.

Chính tính năng cập nhật trực tiếp tình hình giao thông của Google Maps giúp sớm phát hiện ám chỉ cuộc tấn công Ukraine của Nga. Jerry Lewis, giáo sư của viện Middlebury khẳng định là người đầu tiên phát hiện về cuộc tấn công. Google Maps hiển thị tình trạng tắc đường bất thường tại biên giới Ukraine hôm 24/2.

Ngoài ra, Jerry Lewis và nhóm nghiên cứu của ông còn dựa trên hình ảnh vệ tinh quang học và radar được chụp để khẳng định về cuộc tấn công, bên cạnh những “gợi ý” từ tính năng của Google Maps. Trước đó hôm 22/2, nhóm của giáo sư Jerry Lewis nhận được hình ảnh radar cho thấy các phương tiện bọc thép và hạng nặng của Nga tại biên giới Ukraine.

Liên quan đến cuộc xung đột, mới đây, tỷ phú Elon Musk tuyên bố triển khai Internet vệ tinh tại Ukraine đáp lại lời kêu gọi của Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov.

Cuộc chiến gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng Internet tại Ukraine, khiến cho kết nối tại quốc gia này liên tục bị gián đoạn. Mới đây, Elon Musk, CEO của SpaceX cho biết ông sẽ triển khai dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Ukraine.

Tình trạng mất điện ở thành phố Kharkiv bắt đầu xảy ra từ ngày 25/2, sau khi xuất hiện những vụ nổ đầu tiên trong khu vực này. Sự cố mất điện ảnh hưởng đến nhà cung cấp dịch vụ Internet Triolan - đơn vị cung cấp dịch vụ cho một số thành phố và các khu vực khác trên khắp Ukraine, bao gồm cả Kharkiv.

Bên cạnh những xung đột ở chiến trường, các cuộc tấn công mạng hàng loạt bắt đầu được ghi nhận từ sáng 25/2 sau khi nhóm hacker Anonymous nhắm đến chính phủ Nga. 48 giờ sau tuyên bố, liên tiếp các sự cố an ninh mạng xảy ra với cơ quan, tổ chức liên quan đến chính phủ Nga được ghi nhận.

Một số kênh truyền hình Nga bị chiếm quyền điều khiển phát nhạc Ukraine, nhiều website chính phủ ngừng hoạt động.

Tài khoản Twitter của Anonymous khẳng định 300 trang web của chính phủ, ngân hàng và các cơ quan truyền thông tại Nga bị các thành viên thuộc nhóm hacker đánh sập sau 2 ngày hành động.

Anonymous cũng tấn công hệ thống và tắt nguồn cung cấp khí gas của Tvingo Telecom - công ty thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông nhà nước Nga Rostelecom, chuyên cung cấp mạng điện thoại, cáp quang, không dây phục vụ khách hàng trong nước.

Tiếp đó, các trang web của Điện Kremlin, Duma quốc gia Nga, Bộ Quốc phòng nước này rơi vào trạng thái ngoại tuyến. Tương tự, trang web của đài truyền hình nhà nước Nga Rusia Today (RT), cũng chưa thể truy cập ổn định do DDoS.

Giới phân tích nhận định các cuộc tấn công sẽ chưa dừng lại, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn khi Anonymous liên tục đăng thông điệp tuyển thành viên. Nhóm này kêu gọi hacker khắp thế giới tham gia chiến dịch.

Anonymous là nhóm hacker khét tiếng nhất thế giới, ra đời năm 2003. Biểu tượng của nhóm là người đàn ông không đầu đeo mặt nạ Guy Fawkes như trong phim “V for Vendetta”. Tuy nhiên, không giống các tổ chức hacker khác, Anonymous không có người đứng đầu. Trong số các chiến dịch, đợt tấn công mạng chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận được sự ủng hộ rộng khắp. Nhóm cũng từng trộm hàng nghìn thẻ tín dụng của Apple và không quân Mỹ để chuyển tiền cho các tổ chức từ thiện với mục tiêu tặng 1 triệu USD nhân dịp giáng sinh và năm mới cho người nghèo năm 2011.

Lời kêu gọi của Anonymous chống lại Nga diễn ra chỉ một ngày sau khi các trang web của chính phủ và ngân hàng Ukraine bị tấn công. Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Nội vụ, Cơ quan An ninh và Nội các Ukraine phải hứng chịu các đợt DDoS. Một số tổ chức tài chính và nhà thầu của chính phủ Ukraine bị nhiễm mã độc xóa dữ liệu.

Minh Thùy (T/h)