Hà Nội cải thiện 20 bậc về chỉ số chất lượng không khí
Sáng 10/3, Hà Nội cải thiện hơn 20 bậc về chỉ số chất lượng không khí theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ).
Chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện.
Trong số 96 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 32 trong khi đầu tháng 3 Hà Nội đứng thứ 12.
Theo thang bảng này, 25 thành phố có chỉ số chất lượng không khí AQI tốt (màu xanh), trong đó 10 thành phố tốt nhất gồm 5 thành phố của Hoa Kỳ là Seatle, Salt Lake, Portland, San Francisco, Los Angeles; 2 thành phố của Australia là Melbourne, Syney; thành phố Oslo của Na Uy; thành phố Krasnoyarsk của Nga và Osaka của Nhật Bản.
Ngày 10/3, chất lượng không khí tại Hà Nội có thay đổi theo các thời điểm. Lúc 7 giờ, ứng dụng PAM Air (là mạng lưới môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với mạng lưới điểm đo chất lượng không khí phủ rộng toàn bộ 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) chỉ ghi nhận 3 điểm quan trắc ở Hà Nội có màu đỏ (mức xấu), còn lại hầu hết có màu vàng (mức trung bình) và cam (mức kém). Đến 10 giờ, số điểm quan trắc có màu đỏ tăng lên 14 điểm, hầu hết các điểm còn lại có màu cam.
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lúc 7 giờ không ghi nhận điểm nào ở Hà Nội có chỉ số AQI màu đỏ, chủ yếu màu xanh và vàng, đến 10 giờ, số điểm màu vàng nhiều hơn với 17 điểm.
Lúc 7 giờ, Website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội chỉ ra tất cả các điểm quan trắc chất lượng không khí đều màu xanh và vàng tức chất lượng không khí ở mức tốt và chấp nhận được, trong đó có tới 18 điểm màu xanh. Đến 10 giờ, số điểm màu xanh giảm xuống còn 16 điểm.
Để không khí sạch hơn, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc kêu gọi các Chính phủ trên toàn thế giới khẩn trương có những giải pháp như đầu tư vào những nguồn năng lượng sạch hơn, có thể tái tạo được, thay thế cho việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phương tiện giao thông công cộng sạch hơn với giá thành hợp lý; tăng không gian xanh ở các khu đô thị; thay đổi hoạt động nông nghiệp, đưa ra nhiều lựa chọn xử lý rác thải hiệu quả hơn để hạn chế việc phải đốt những chất hóa học độc hại.
Tại Việt Nam, để khắc phục những tồn tại, bất cập về công tác quan trắc môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý.
Nhằm cải thiện chất lượng không khí, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ tập trung rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Bộ cũng đang khẩn trương thực hiện các hoạt động nhằm sớm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhất là các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí.
PV (T/h)