Hà Nội: Cấp mầm non và phổ thông được xem xét hỗ trợ học phí
Sáng 22/9, kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc. Do tình hình dịch Covid-19, kỳ họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố tới 54 điểm cầu quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành của thành phố.
Để bảo đảm phòng, chống dịch, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã chỉ đạo, tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng hình thức PCR cho các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; khách mời, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan tham dự, tham gia phục vụ kỳ họp.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố có nhiệm vụ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách của 8 tháng năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021; xem xét, quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố.
Nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương, triển khai thận trọng, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, cầu thị, linh hoạt, hiệu quả, với phương châm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, là trước hết. Toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức để từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 8 tháng năm 2021, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, phù hợp với thực tiễn của thành phố. Xem xét, thảo luận và thông qua 15 báo cáo, 2 nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề.
Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; trong đó, thành phố sẽ tập trung, cân đối, bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành (quốc lộ 1A, quốc lộ 6, quốc lộ 32...), đặc biệt là đầu tư đường Vành đai 4 nhằm mở rộng không gian phát triển, kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hóa và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử; xem xét thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm tạo cơ sở cho Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn thành phố và nhiều nội dung quan trọng khác.
“Nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021 rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh còn nhiều thách thức, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đòi hỏi thành phố và các cấp, các ngành phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19 là: Đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa, để thực hiện tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Thiên Thanh (T/h)