Hà Nội sẽ có những chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ
Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố phục vụ phát triển khoa học công nghệ gắn với Luật Thủ đô 2024.
Trình bày tóm tắt 2 dự thảo Nghị quyết "quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" và "Quy định cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của TP. Hà Nội", Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết, việc ban hành 2 nghị quyết này là rất quan trọng đối với Hà Nội trong cái giai đoạn mới, nhằm cụ thể hóa những chính sách và tháo gỡ tất cả điểm nghẽn trước đây liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp của Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/TL
Trong đó, Nghị quyết về chính sách đặc thù để phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo có 5 điểm nhấn rất quan trọng là: Cơ chế về tuyển chọn, đặt hàng; Chuyển giao không bồi hoàn các kết quả tài sản và sản phẩm, trao quyền tự quyết cho người chủ trì và cơ quan chủ trì; Ưu đãi về tài chính, cơ chế về thuế, phí; Thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học để làm việc ở các cơ sở của Thành phố; Kinh phí, các nhiệm vụ liên quan đến các định mức, dự toán.
Trong khi đó, Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của TP. Hà Nội có 3 điểm nhấn về: Đầu tư hỗ trợ hình thành, quản lý và vận hành hạ tầng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ trong các hoạt động chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Góp ý vào các dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, hai nghị quyết không chỉ cụ thể hoá Luật Thủ đô mà còn là những căn cứ quan trọng đáp ứng đòi hỏi thực tiễn TP. Hà Nội. Đặc biệt, những "điểm nghẽn" vê đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực… trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được hai nghị quyết tháo gỡ nhờ những cơ chế chính sách mới.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ-pháp luật nêu ý kiến. Ảnh: VGP/TL
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ-pháp luật cũng cho rằng, việc ban hành hai nghị quyết sẽ mở ra cơ hội mới, thuận lợi mới về cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, cho phép vận dụng tốt hơn các cơ chế đặc thù để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Hà Nội phải phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Gần đây nhất, Luật Thủ đô năm 2024 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do đó, HĐND Thành phố cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện cũng như cần bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như căn cứ pháp lý của Nghị quyết.
Đóng góp ý kiến góp ý tại hội nghị, ông Mai Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là một yêu cầu tất yếu, thể hiện tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ tiên tiến, năng động.
Tuy nhiên, để cơ chế này phát huy hiệu quả mà không trở thành kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, dự thảo đã bổ sung một số nội dung bảo đảm tính chặt chẽ như: Quy định rõ tiêu chí rủi ro được chấp nhận trong nghiên cứu; cơ chế giám sát, đánh giá giữa kỳ và hậu kiểm các dự án; trách nhiệm của hội đồng khoa học, cơ quan chủ trì và người đứng đầu tổ chức thực hiện.
"Khoa học công nghệ là hàng hóa đặc biệt và phải xuất phát từ mối quan hệ cầu – cung. Trong nhiều năm, ở nước ta, loại hàng hóa này nhiều khi xuất phát từ quan hệ cung – cầu. Nghĩa là các nhà khoa học công nghệ chào bán cái mình có thể làm được và đôi khi các cơ quan quản lý Nhà nước cũng mua nhưng chưa biết để làm gì. Nhiều cái vẫn còn xếp trong tủ của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Do đó, nên có đánh giá tổng kết 10 năm trở lại đây về tính hiệu quả của loại "hàng hóa" đặc biệt này", ông Thắng chia sẻ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý, tham gia trực tiếp vào những vấn đề rất quan trọng mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và triển khai cụ thể hóa những nội dung nghị quyết mới của Trung ương, Thành phố.
Đồng thời đánh giá cao Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tập trung xây dựng và trình Thành phố những nội dung này; đề nghị Sở tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thời gian tới.
Trong đó, lưu ý phân rõ nhóm, lĩnh vực từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Cùng đó, tăng cường giám sát thực hiện nghị quyết, trong đó chú trọng giám sát chính đối tượng được thụ hưởng; phối hợp để nâng cao tính hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo…