Hà Nội sẽ rà soát, đề xuất nội dung đặc thù cho trường học tại nội đô

14:45, 19/10/2023

TP. Hà Nội sẽ có rà soát, đề xuất những nội dung đặc thù cho trường học tại khu vực nội đô, đặc biệt là việc kiến nghị nâng tầng để bảo đảm diện tích/học sinh nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trường học thừa thiếu cục bộ giữa nội thành và ngoại thành - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại phiên họp giải trình của HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi với Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng, các quận, huyện về việc thiếu trường học và các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đại biểu nêu, theo báo cáo của UBND Thành phố, đến nay Hà Nội tại địa bàn 8 quận nội thành còn thiếu 49 trường học, việc này tạo nên tình trạng quá tải, gây áp lực công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 và đề nghị quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp khắc phục bất cập này.

Đại biểu cũng nêu thực trạng có 463 trường học các cấp vượt chỉ tiêu về sĩ số, nhất là ở khối tiểu học và THCS; 28/30 quận, huyện đều có trường tiểu học vượt 35 học sinh/lớp. Quận Hai Bà Trưng theo diện tích cần có 6-10 trường THPT công lập nhưng hiện tại mới có 3 trường; quận Hoàn Kiếm theo diện tích cần có 4-7 trường THPT công lập nhưng mới có 2 trường… Việc thiếu trường lớp gây áp lực cho ngành giáo dục. Từ đó, đại biểu đề nghị GĐ Sở GD&ĐT, Sở QHKTcho biết trong 10 năm qua, hai ngành đã tham mưu cho UBND Thành phố những giải pháp gì để nghiên cứu các vị trí xây dựng trường học để giải quyết thiếu trường công lập, giải pháp khả thi để đến năm 2025 đạt tiêu chí 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia.

Rà soát quỹ đất, kiến nghị được nâng tầng để đủ lớp học

Làm rõ câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận là nơi đông dân nhất thành phố với khoảng 700.000 người cả thường trú và tạm trú, trong đó có trên 100.000 học sinh. Mỗi năm, trung bình quận Hoàng Mai lại tăng thêm 4.000 học sinh.

Hiện nay, quận Hoàng Mai có 99 trường học (trong đó có 62 trường công lập), 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Nếu tính theo quy mô dân số, hiện quận Hoàng Mai đang thiếu 43 trường học.

Để khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, các giải pháp quận thực hiện thời gian qua là lập kế hoạch tuyển sinh cụ thể, tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng mới các trường học và khuyến khích trường ngoài công lập.

Cụ thể, quận công khai tuyển sinh từng trường, tuyển sinh đúng quy định, chỉ đạo không tuyển sinh trái tuyến, đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Tăng cường đầu tư xây dựng mới, thời gian qua, quận xây dựng thêm 23 trường học các cấp với trên 500 lớp học, tăng cường cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng lớp học. Đồng thời, khuyến khích trường ngoài công lập, tỷ lệ học sinh học trường ngoài công lập hiện chiếm 19% số học sinh trên địa bàn giúp giảm tải cho trường công lập.

Ngoài ra, quận rà soát đất đai, chủ động báo cáo Thành phố phân cấp UBND quận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, rà soát ô đất trống có thể xây dựng trường học và báo cáo Thành phố để có thể xây trường; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để xây dựng trường. Hàng năm quận ưu tiên trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho giáo dục…

Còn Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, trên địa bàn quận có 63 trường công lập, trong đó 42 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo Nghị quyết của Đảng bộ quận đến 2025, quận cần có thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia mới đạt chỉ tiêu 80-85 % trường công lập đạt chuẩn quốc gia như đã đề ra.

Khó khăn của quận là diện tích đất chật hẹp, số lượng học sinh đông. Hiện có 1 trường có 60 lớp, với 40-60 học sinh /lớp, số lớp trên 1 trường là quá tải. Vì vậy, giải pháp của quận là tập trung mạnh vào đầu tư hệ thống giáo dục trường học; nhập các điểm trường nhỏ vào thành điểm trường lớn...

Đưa ra một số giải pháp đảm bảo đủ lớp học và các phòng học chuyên đề cho học sinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay Thành phố đã có chỉ đạo và các quận huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tiếp tục rà soát các quỹ đất phục vụ công trình giáo dục. Trong thiết kế phải tính toán để có tổng mặt bằng và thiết kế công trình giáo dục phù hợp.

Theo quy định, các trường tiểu học là 3 tầng, THCS 4 tầng thì có thể đề nghị xây dựng công trình 5-6 tầng, dành diện tích tầng thấp để phục vụ giáo dục, đưa khối phục vụ lên phía trên. Để thực hiện việc này, quận kiến nghị Thành phố có kiến nghị với Bộ Xây dựng và Bộ GD&ĐT để đáp ứng yêu cầu từng địa phương, phù hợp với từng khu vực.

Chủ tịch quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết giải pháp của quận là tập trung đầu tư trường học; nhập các điểm trường nhỏ vào thành điểm trường lớn... - Ảnh: VGP/Gia Huy

Trường học còn "thừa thiếu cục bộ"

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40-50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo Thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85% Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, vấn đề nâng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng. Theo quy định, năm 2022 phải công nhận mới trên 194 trường chuẩn quốc gia nhưng mới công nhận được trên 145 trường do có nhiều quy định mới. Còn năm 2023, có 130 trường cần công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đến thời điểm này mới công nhận 16 trường, còn lại các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.

Để đến năm 2025 đạt từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2023-2025, toàn Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường.

Về chỉ tiêu học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết tiêu chí này đúng là khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

"Kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, Hà Nội có 116.000 học sinh thi vào lớp 10, chúng tôi cộng lại tất cả các trường là 138.600 chỗ đến từ 118 trường công lập, 106 trường tư thục, 50 trường đào tạo nghề, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên", ông Trần Thế Cương cho biết.

Từ đó, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Chỗ học vẫn dư, chỉ có điều là thừa thiếu cục bộ, ở một số quận nội thành cốt lõi học sinh rất đông, còn ngược lại ở một số huyện ngoại thành, có nơi học sinh lại không đủ trong 1 lớp".

Tại phiên họp giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, với đặc điểm quy mô trường, lớp, học sinh lớn nhất nước, hàng năm tăng khoảng 50-60.000 học sinh tương đương cần thêm 30-40 trường học, đòi hỏi Thành phố phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng được trường học cho học sinh.

Với chỉ tiêu đến 2025 có 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, đến nay đã được 72,7% trường đạt chuẩn. Nội dung này đã có nhiều kế hoạch triển khai, các quận huyện đã rà soát cho giai đoạn 2023-2025 và đăng ký về tính khả thi, quyết tâm bảo đảm nguồn lực để khả năng đạt chỉ tiêu này là 84%.

Phó Chủ tịch Thành phố đặc biệt nêu khó khăn về công nhận lại trường chuẩn quốc gia liên quan tiêu chí diện tích đất/học sinh, đây là khó khăn đặc biệt với các quận nội thành khi quỹ đất gần như không còn. Thành phố sẽ có rà soát, đề xuất những nội dung đặc thù cho khu vực nội đô, đặc biệt là việc kiến nghị nâng tầng để bảo đảm diện tích/học sinh nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-se-ra-soat-de-xuat-noi-dung-dac-thu-cho-truong-hoc-tai-noi-do-103231017170345987.htm)