Hà Nội: Thống nhất một mẫu Giấy đi đường trong thời gian giãn cách
Hà Nội vừa có văn bản ban hành thống nhất mẫu Giấy đi đường cho những người đủ điều kiện di chuyển trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội phòng chống COVID-19.
- “Đi chợ” cưới trên mạng
- Đi chợ mạng thế giới
- "Lối đi" cho thanh toán không dùng tiền mặt
- Hướng dẫn cách gửi tiếng ho đến cộng đồng AICovidVN
- Vĩnh Phúc: Clip hướng dẫn các tình huống bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19
- Hướng dẫn cách đọc mã số để biết mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới
UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2434/UBND-KT về việc thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo công bố của UBND thành phố Hà Nôi, giấy đi đường yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số CCCD/CMT, số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc...), mục đích tham gia giao thông. Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.
Mẫu Giấy đi đường theo ban hành của UBND thành phố Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội.
Về việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong các trường hợp cụ thể:
Đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP: Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu thì cán bộ, nhân viên được tham gia giao thông.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch và cấp giấy đi đường theo mẫu.
Đối với người lao động trong TP làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất (bao gồm cả các doanh nghiệp trong và ngoài Khu, cụm công nghiệp) cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu, lực lượng duy trì hệ thống bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong Thành phố được tham gia giao thông khi: Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý chặt chẽ người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, lập Kế hoạch hoạt động, kèm theo Danh sách người lao động, cấp giấy đi đường theo mẫu.
Đối với người ở tỉnh, TP khác vào TP làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.
Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP khác: Cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú theo mẫu.
Đối với các trường hợp khác: Người ở tỉnh, TP khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: Căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
Công an Hà Nội lập chốt kiểm soát COVID-19 tại nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô.
Đối với bệnh nhân phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn TP.
Đối với lễ tang ngoài TP cần có: Danh sách thành viên trong gia đình và người phục vụ tham gia tang lễ, cam kết của gia đình đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17-CT/UBND ngày 23/7/2021 của UBND TP.
Các trường hợp ra, vào TP vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia: Phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó và giấy đi đường theo mẫu.
Đối với các trường hợp người dân đi ra khỏi TP trước ngày 24/7/2021 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 17) muốn quay lại Hà Nội; các trường hợp người buôn bán hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, tỉnh, thành khác vào Hà Nội: Cần chuẩn bị căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng minh việc buôn bán; kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã và các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát, căn cứ các nội dung nêu trên tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng nêu trên tham gia đi đường được thuận lợi; đồng thời kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định.
PV (T/h)