Hà Nội tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”
Sáng 14/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị. Cùng dự, điều hành có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022” còn có sự góp mặt của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của TP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hà Nội, các ngân hàng thương mại cổ phần, 9 hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, việc ban hành các chính sách của Chính phủ và TP đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ và TP sau đại Covid-19 được cộng đồng đánh giá cao.
Tuy nhiên, đại diện Hanoisme đánh giá hiện nay tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh tham góp ý kiến tại hội nghị.
Cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) Lê Vĩnh Sơn cho rằng việc giải ngân còn chậm. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ Quý II/2022 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng…
Ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn là chưa đủ với “cơn khát vốn” của doanh nghiệp. Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này.
Thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém; kế hoạch kinh doanh thiếu minh bạch, khả thi, là những thách thức thường gặp của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng. Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.
Tại buổi đối thoại, bên cạnh khó khăn lớn nhất về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ thêm những vướng mắc liên quan đến còn các khó khăn liên quan tới miễn giảm tiền thuê đất. Điển hình như chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Hanel Bùi Thị Hải Yến. Công ty Hanel đã hoàn thành cổ phần hóa, ngày 27/6/2017, đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa được ký lại các hợp đồng thuê đất. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý tài sản đất đai sau cổ phần hóa.
Do chưa được giải quyết, nên đến thời điểm hiện nay Công ty vẫn phải nộp số tiền thuê đất hàng năm cho phần diện tích sử dụng chung trong Khu công nghiệp Sài Đồng B khoảng hơn 6 tỷ đồng. Như vậy làm tăng chi phí phát sinh, giảm lợi nhuận của Công ty hàng năm khoảng hơn 6 tỷ đồng. Đây là một điều bất cập cần được TP tháo gỡ.
Doanh nghiệp mong muốn Hà Nội có cơ chế, chính sách khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phát triển.
Tại Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”, sau khi lắng nghe 12 ý kiến của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP đã tiếp thu, giải trình và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thời gian qua, TP đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp. Trong thời gian tới, thông qua các đề án, dự án khoa học công nghệ, Sở tiếp tục tham mưu TP tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm tạo ra công nghệ sản xuất, sản phẩm mới, hỗ trợ đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Đề cập về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và hội nhập, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), UBND TP ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) trên địa bàn TP.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan giải đáp ý kiến của các doanh nghiệp.
Theo đó, TP đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường.
Đặc biệt, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cùng với các sở, ngành, Sở Công Thương tham mưu UBND TP những giải pháp tập trung: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cùng với đó, TP sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia FTA.
Về các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân thông tin, đối với các dự án đầu tư còn vướng mắc cần tháo gỡ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành kêu gọi đầu tư, Sở sẽ nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan và có văn bản cụ thể tham mưu UBND TP. Đối với các dự án đầu tư công, Sở tham mưu TP ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và chọn nhà thầu có năng lực thi công dự án; định vị từng dự án và cố gắng không điều chỉnh tổng mức dự án.
Trong năm 2023, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế để phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; kịp thời cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp đón bắt các làn sóng đầu tư, thương mại trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình thế giới, Hà Nội vẫn đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, trong đó, có 5 chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt gần 8,9%. Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội được TP duy trì ổn định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Thủ đô. TP may mắn vì trong đại dịch Covid-19 đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có trách nhiệm của cộng đồng các doanh nghiệp.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng TP, các sở ngành, quận, huyện, thị xã và người dân Thủ đô, tôi ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn…” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng các doanh nghiệp đã đóng góp hết mình hỗ trợ sự phát triển ổn định của TP. Những tháng cuối năm 2022 và hết quý I/2023 được dự báo sẽ cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, tập thể UBND TP Hà Nội quyết định tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi, có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay cho cộng đồng các doanh nghiệp.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các sở ngành tổng hợp, có văn bản trả lời sớm nhất đối với từng kiến nghị của doanh nghiệp; phải coi việc của doanh nghiệp cũng như công việc của nhà mình. “Chim sẻ gọi đại bàng mà đại bàng không trả lời thì chim sẻ sẽ mất phương hướng…” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội ví von.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, dự kiến trong quý I/2023, Quốc hội sẽ họp để bàn về kinh tế xã hội trong tình hình mới. “Đây là dịp tốt, nếu chúng ta có kiến nghị kịp thời lên Quốc hội thì có thể có được nhiều giải pháp để tháo gỡ, thực hiện trong năm 2023…” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn lớn có kiến nghị đề xuất cụ thể để TP phân loại nhóm chính sách. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tất cả vấn đề, bao gồm cả các chính sách mang tầm Quốc gia.
Ngoài các vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết các doanh nghiệp có nguyện vọng, mong mỏi đề nghị TP quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính. TP thừa nhận công tác phối hợp giữa các sở ngành vẫn còn những tồn tại. Do đó, thời gian tới sẽ tập trung giải quyết. Đặc biệt là tích cực đưa công nghệ vào xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết đang tăng cường phân cấp thủ tục hành chính cấp TP cho các cấp dưới để thủ tục “gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất”. Đây cũng là lần đầu tiên TP có sự phân cấp quyết liệt đến vậy, và kỳ vọng sẽ giải toả bức xúc cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính.
“Lãnh đạo UBND TP chia sẻ, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, trong thẩm quyền có nội dung gì giải đáp được ngay tại hội nghị thì chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện. Với những nội dung vượt thẩm quyền, TP sẽ tổng hợp, có báo cáo lên Thủ tướng để Chính phủ thấu hiểu, có các giải pháp kịp thời, khả thi hơn…” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Thành Nam (T/h)