Ham lợi nhuận từ chơi game, người phụ nữ bị lừa 5,6 tỷ đồng

18:04, 29/07/2024

Nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng tuy không mới nhưng vẫn có rất nhiều người trở thành nạn nhân, điển hình như ham lợi nhuận từ chơi game, người phụ nữ bị lừa 5,6 tỷ đồng; Giả mạo ngành bảo hiểm, ngành thuế, giả mạo chương trình truyền hình… nhằm đánh cắp thông tin để trục lợi…

Ham lợi nhuận từ chơi game, người phụ nữ bị lừa 5,6 tỷ đồng - Ảnh minh họa.

Trường hợp nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị người bị hại hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.

HAM LỢI NHUẬN TỪ CHƠI GAME VÀ BỊ LỪA 5,6 TỶ ĐỒNG

Một người phụ nữ ở Thanh Hóa bị các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội dẫn dụ chơi game có thưởng. Khi số tiền nạp lên tới 5,6 tỷ đồng thì nhóm lừa đảo "bốc hơi" không để lại dấu vết. 

Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, chị M. nhận được lời kết bạn từ đối tượng có tên tài khoản Quốc Bảo làm quen, kết bạn. Ngày 1/6, Bảo gửi chị M. link web https://www.aaf2.com/Public.lo... của trang game SANDS, nhờ chị M. đăng nhập để chơi cho vui.

Bảo giới thiệu đang làm nhân viên công nghệ thông tin tại Hà Nội và nắm được lỗi của hệ thống game. Cứ lúc 15h - 15h30 và 20h - 20h30 hàng ngày, người chơi cứ nạp tiền vào chơi sẽ thắng lớn.

Dù có nghi ngờ nhưng chị M. vẫn, đánh vào lòng tham có lời nhanh chóng nên đã lập tài khoản chơi thử. Khi chị M. nạp 50 triệu đồng lần đầu vào tài khoản 00007936097 có tên CT TNHH CONG NGHE NANG HFM thì ngay lập tức thu được gần 53 triệu đồng.

Thấy cơ hội kiếm tiền dễ kiếm, chị M. liên tục nạp tiền vào tài khoản của đối tượng mà không biết rằng đã rơi vào bẫy. Khi thấy chị M. tin tưởng tuyệt đối, đối tượng lừa đảo thông báo tài khoản của chị M. bị sập nên không thể rút tiền ra được. Số tiền mà chị M. đã nộp vào lên tới 5,6 tỷ đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin tưởng những đối tượng chưa từng gặp mặt mà chỉ làm quen qua mạng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không chuyển tiền cho người khác khi không biết rõ thực tế chủ tài khoản đó là ai, ở đâu. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền truy cập riêng tư trên các trang, tài khoản mạng dùng.

"Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các đối tượng người lạ khi chưa biết rõ về nhân thân, lai lịch, đại diện pháp nhân của đơn vị nào; Không truy cập vào các trang, đường link, tệp dữ liệu từ các địa chỉ không xác định có nguồn chính thống", Cục An toàn thông tin khuyến cáo. 

GIẢ MẠO VĂN BẢN TĂNG LƯƠNG HƯU, CẬP NHẬT VSSID 4.0

Bảo hiểm xã hội vừa phát cảnh báo việc giả mạo văn bản yêu cầu cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân, gây thiệt hại tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín ngành bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, ngày 19/7/2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương phản ánh có một văn bản giả mạo Bảo hiểm xã hội với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 1/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email. Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp. 

Theo đó, văn bản giả mạo còn yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. Người dân cần nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của bảo hiểm xã hội về sau.

Trước thông tin trên, Bảo hiểm xã hội khẳng định: Văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Tiếp đó, là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành bảo hiểm xã hội.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo trên, nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới nhất và cách phòng tránh.

Ngoài ra, nếu nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội qua số điện thoại và địa chỉ email chính thức để xác minh thông tin. Tránh nhấp vào liên kết hoặc gọi theo số điện thoại được cung cấp trong các thông báo nghi ngờ. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua email, tin nhắn, hoặc điện thoại trừ khi bạn đã xác minh chắc chắn đó là nguồn tin đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân khẩn trương và kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin, hình thức giả mạo văn bản để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng bảo hiểm xã hội số VssID của Bảo hiểm xã hội.

LỪA ĐẢO MẠO DANH CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH "TRẠNG NGUYÊN TIẾNG VIỆT 2024"

Thời gian qua, đường dây nóng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ghi nhận tình trạng một số trường hợp mạo danh CIC và VTV nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Phụ huynh cần cảnh giác với những thông tin trên, tránh trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh mong muốn cho con tham gia chương trình “Trạng nguyên Tiếng Việt” do VTV tổ chức, các đối tượng lừa đảo đã lập nhóm “hỗ trợ” qua kênh chat Messenger của mạng xã hội Facebook, trong đó có các tài khoản mạo danh là điều phối viên của VTV và “bộ phận hỗ trợ giải ngân” của CIC.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này là đưa ra nhiều hình ảnh được thiết kế tinh vi, các thông tin “nửa đúng, nửa sai” gây nhiễu, khiến nhiều bậc phụ huynh dễ dàng tin tưởng. Khi nạn nhân đã sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng liền đưa ra thông báo do phụ huynh nhập “mã lệnh” sai dẫn đến tình trạng tiền bị treo trên hệ thống, và để được giải ngân thì phải thực hiện chuyển khoản đúng cú pháp, dẫn đến việc phụ huynh tiếp tục chuyển tiền nhiều lần với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất trước đó. Theo ghi nhận, một số phụ huynh đã bị lừa, đặc biệt có trường hợp đã chuyển số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Trước thông tin trên, CIC khẳng định, đây là hành vi mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; đến hình ảnh, uy tín của CIC.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân) cho các bên cung cấp dịch vụ, chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.

"Khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc chuyển tiền hoặc các việc khác thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo. Khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online, kiểm tra rõ các thông tin về sản phẩm dịch vụ và đơn vị cung cấp thông qua website chính thức của đơn vị và các nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/ham-loi-nhuan-tu-choi-game-nguoi-phu-nu-bi-lua-5-6-ty-dong.htm