Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số

08:52, 14/02/2022

Một mục tiêu của Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia vừa được Bộ TT&TT phê duyệt là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số.

Hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam

Ngày 11/2, Bộ TT&TT đã ra quyết định phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia).

Chương trình xác định rõ quan điểm, nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng ngay, đơn giản, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng và các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số

Nền tảng địa chỉ số là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia được Bộ TT&TT công bố, sẽ được xây dựng trên cơ sở nền tảng địa chỉ bưu chính Vpostcode hiện có.

Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở.

Đồng thời, tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển đã được Bộ TT&TT công bố tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ ba - năm 2021 diễn ra ngày 11/12/2021. Trong danh mục 35 nền tảng số quốc gia này, có 20 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 15 nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội. Bộ TT&TT sẽ định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các nền tảng số quốc gia.

Sẽ có Cổng thông tin nền tảng số quốc gia

Cũng theo Chương trình, mỗi nền tảng số quốc gia có cơ quan chủ quản, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp nòng cốt cùng phối hợp thúc đẩy phát triển. Trong đó, cơ quan chủ quản là 1 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc UBND một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm chủ trì điều hành, đặt hàng hoặc đầu tư phát triển và tiên phong sử dụng nền tảng trong ngành, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng, nâng cấp, mở rộng nền tảng trên toàn quốc và hướng tới vươn ra thế giới.

Với mỗi nền tảng số quốc gia do mình phụ trách, cơ quan chủ quản giao đơn vị chuyên trách chuyển đổi số/ CNTT hoặc 1 đơn vị chuyên môn trực thuộc có chức năng nhiệm vụ phù hợp làm đơn vị đầu mối của Cơ quan chủ quản để thúc đẩy và phối hợp với các bên liên quan trong việc phát triển nền tảng số quốc gia đó.

Là cơ quan điều phối chung phát triển các nền tảng số quốc gia, với mỗi nền tảng, Bộ TT&TT giao 1 cơ quan, đơn vị trực thuộc có chuyên môn phù hợp làm đơn vị đầu mối của Bộ để thúc đẩy và phối hợp với các bên liên quan trong việc phát triển nền tảng số quốc gia đó. Trường hợp nền tảng số quốc gia do chính Bộ TT&TT là cơ quan chủ quản thì thống nhất 1 đơn vị đầu mối gọi là đơn vị đầu mối thúc đẩy đóng vai trò của cả đơn vị đầu mối của Cơ quan chủ quản và đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT.

Doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số quốc gia là doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia đó.

Cơ quan chủ quản, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp nòng cốt bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng số quốc gia thân thiện, phổ dụng, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đổi số khác nhau.

Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai, bao gồm: Lập kế hoạch hành động phát triển nền tảng số quốc gia; Triển khai phát triển và thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia; Tổ chức đánh giá, công nhận và công bố đạt yêu cầu nền tảng số quốc gia; Thông tin, tuyên truyền, phổ biến nền tảng số quốc gia; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số quốc gia.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các lãnh đạo Bộ và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hội và hiệp hội nghề nghiệp tham gia triển khai Chương trình để phát triển các nền tảng số quốc gia.

Theo/ictnews.vietnamnet.vn