Hội nghị Trung ương 11: Kiến tạo mô hình phát triển mới
Trong tiến trình phát triển của một quốc gia, có những thời điểm không chỉ đánh dấu sự điều chỉnh chính sách, mà còn mở ra một chuyển động sâu sắc trong cấu trúc quyền lực, mô hình tổ chức và tư duy phát triển. Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII chính là một thời điểm như vậy.

Hội nghị Trung ương 11 là bước khởi động cho một cuộc Đổi mới thể chế 2.0 – nối tiếp tinh thần Đổi mới năm 1986, nhưng ở tầm cao hơn.
Đây không đơn thuần là một hội nghị trong nhiệm kỳ, mà là một bước ngoặt nhằm tái định hình mô hình tăng trưởng, cải tổ thể chế và chuẩn bị nền tảng cho một chu kỳ phát triển mới của đất nước.
Tình thế mới, yêu cầu mới
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển dịch mang tính thời đại, nhanh và khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phân mảnh chuỗi giá trị toàn cầu, cuộc đua công nghệ, cùng với áp lực của biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, an ninh phi truyền thống… đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao năng lực tự cường và sức cạnh tranh quốc gia.
Trong nước, mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và đầu tư công dàn trải đang dần mất hiệu lực. Bộ máy hành chính vẫn phân tầng, cồng kềnh và chưa thích ứng nhanh với các thách thức mới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cải cách thể chế sâu rộng không chỉ là một lựa chọn, mà là một tất yếu lịch sử.
Ba trục cải cách lớn được xác lập
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, Trung ương quyết định tái cấu trúc chính quyền địa phương theo hướng hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Cấp huyện - vốn là "tầng trung gian" trong mô hình hành chính hiện tại - sẽ được bãi bỏ. Việc tinh gọn này nhằm giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực điều hành, và tạo điều kiện cho phân quyền rõ ràng, triệt để, thực chất. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội cũng được sắp xếp lại theo hướng đồng trục, đa năng và tích hợp cao.
Đây không chỉ là cải cách về mặt hình thức tổ chức, mà là thay đổi về triết lý vận hành nhà nước: từ mô hình tập quyền phân tán sang phân quyền linh hoạt theo nguyên tắc bổ trợ, nơi cấp nào làm được thì cấp đó được giao quyền.
Thứ hai, về mô hình tăng trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải xác lập một mô hình phát triển mới, với nền giáo dục quốc dân hiện đại làm nền tảng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chủ yếu, và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đây là sự dịch chuyển có tính hệ thống, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Giáo dục tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; còn khu vực tư nhân đảm nhận vai trò hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Từ đó hình thành một chuỗi giá trị mới - dựa vào tri thức và sáng tạo thay vì khai thác và gia công.
Thứ ba, về phương diện chính trị - tư tưởng, Hội nghị Trung ương 11 khởi động quá trình chuẩn bị toàn diện cho Đại hội XIV. Trung ương đã cho ý kiến về các dự thảo văn kiện chiến lược: báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, và báo cáo về xây dựng Đảng. Phương hướng công tác nhân sự cấp chiến lược cũng được xác lập, đặt trên nền tảng đổi mới tư duy lãnh đạo, thích ứng với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Cùng với đó, không thể không nhắc tới Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới và bài viết "Vươn mình hội nhập quốc tế" gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với tinh thần đột phá, nhiều tư tưởng mới rất quan trọng, như chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế quốc gia đi sau sang trạng thái quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.
Tư duy mới trong lãnh đạo và bảo đảm phát triển công bằng, bền vững
Điểm nổi bật của Hội nghị Trung ương lần này là sự xuất hiện rõ nét của một tư duy phát triển có tính hệ thống, kiến tạo và dài hạn. Thể chế không còn được xem là công cụ kiểm soát đơn thuần, mà là nền tảng để khơi thông nguồn lực, kích hoạt sáng tạo và bảo đảm phát triển công bằng, bền vững.
Việc khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, đi kèm với yêu cầu quản lý nhà nước hiệu quả, cũng thể hiện sự chuyển hóa từ mô hình "Nhà nước quản lý" sang "Nhà nước kiến tạo phát triển" – nơi Nhà nước không làm thay, không can thiệp sâu, mà định hướng, bảo vệ lợi ích công, và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Tương tự, quyết tâm tái cấu trúc hệ thống tổ chức chính quyền cho thấy một nhận thức rõ ràng: cải cách bộ máy không chỉ là bài toán giảm biên chế, mà là thiết kế lại chức năng – quyền hạn – trách nhiệm của từng cấp chính quyền sao cho hiệu lực và phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nền quản trị quốc gia.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng.
Mở đường cho Đổi mới 2.0
Có thể nói, Hội nghị Trung ương 11 là bước khởi động cho một cuộc Đổi mới thể chế 2.0 – nối tiếp tinh thần Đổi mới năm 1986, nhưng ở tầm cao hơn. Nếu như Đổi mới 1.0 là sự chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì Đổi mới 2.0 là sự chuyển đổi từ một nhà nước hành chính sang một nhà nước kiến tạo phát triển, với tổ chức tinh gọn, phân quyền hiệu quả, thể chế mềm và động lực thị trường được giải phóng.
Sự thành công của định hướng này phụ thuộc vào năng lực thể chế, bản lĩnh chính trị và quyết tâm thực thi chính sách một cách nhất quán. Nhưng định hướng rõ ràng của Hội nghị lần này là một khởi đầu mới rất đáng kỳ vọng. Nếu được tiếp tục đẩy mạnh, những cải cách được khởi xướng từ Hội nghị Trung ương 11 có thể sẽ được ghi nhận như dấu mốc mở ra kỷ nguyên phát triển mới của đất nước – nơi thể chế hiện đại và mô hình tăng trưởng bền vững trở thành đôi cánh đưa Việt Nam vươn cao, bay xa trong thế kỷ XXI.