Hội thảo phát triển hạ tầng số trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

13:31, 17/11/2021

Trong những năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi một số luật tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G (6G trong tương lai), thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển…

Chiều ngày 16/11/2021, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo với chủ để “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đây là một trong 10 hội thảo chuyên đề thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới…

Tuy nhiên, ông An cũng chỉ ra hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển IoT, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở nông thôn, miền núi còn hạn chế.

Ngoài ra, hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh. Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai. Cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn...

Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp…

Tại hội thảo, các ý kiến đều có chung nhận định, hạ tầng số là nền tảng căn bản để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, hạ tầng số là một hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong một nền kinh tế số, xã hội số.

Theo Thứ trưởng, cuộc đổi mới của ngành viễn thông lần 1 diễn ra cách đây 30 năm là một cú hích để viễn thông trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Ở cuộc đổi mới lần 2 của ngành viễn thông hiện nay chính là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số với mục tiêu phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực cho kinh tế số, xã hội số phát triển. 

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược đã xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số. Ông Long cho rằng, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Thông tin và Truyền thông để xây dựng và phát triển hạ tầng số, đảm bảo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó là đảm bảo mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao và giá cả phù hợp; trong đó sẽ phủ sóng băng rộng cố định và di động tới 100% thôn bản; triển khai phủ sóng 5G vào năm 2022.

Đặc biệt, mục tiêu sẽ phổ cập smartphone tới 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang là một chỉ tiêu rất thách thức với ngành. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế số thì phải có thị trường số. Muốn xây dựng và tạo lập được thị trường kinh tế số thì mỗi người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp phải có được kết nối số.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 2 nước dẫn đầu ASEAN về trung tâm dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo từ điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT.

Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng cho biết, trong những năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật công nghiệp công nghệ số với mục tiêu tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G (6G trong tương lai), thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển… Bên cạnh đó sẽ xây dựng cơ chế chính sách phát triển IoT; các hạ tầng: định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia...

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới để phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở đó, Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 2022.

 Khôi Nguyên (T/h)