Phát triển nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ sinh học
Sự phát triển mạnh mẽ và vai trò của ngành công nghệ sinh học đã được thể hiện rất rõ qua đại dịch Covid-19 trong hai năm trở lại đây, từ việc giải trình tự gen của vi-rút SARS-CoV-2, phát triển các bộ sinh phẩm chẩn đoán, phát triển vắc-xin, cho đến các loại thuốc điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2. Với quy mô ứng dụng và trình độ công nghệ ngày càng cao, nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt trong việc phát triển ngành công nghệ sinh học.
Nghiên cứu hoạt chất tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: MINH HÀ
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đối với nước ta, công nghệ sinh học có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vai trò đó đã được thể hiện rõ trong các chính sách của Đảng và Nhà nước, như Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Quyết định 2117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ công nghệ sinh học là một trong bốn lĩnh vực có công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn cầu trong khoảng hai năm trở lại đây, lĩnh vực công nghệ sinh học đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và thể hiện vai trò quan trọng qua các ứng dụng như phát triển các sinh phẩm chẩn đoán, vắc-xin và thuốc điều trị. Ngoài ra, công nghệ sinh học cũng có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, qua đó giúp chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả.
Việt Nam là một đất nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, với nguồn lao động trẻ dồi dào là những tiềm năng cho phát triển công nghệ sinh học. Những năm gần đây, số lượng các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ sinh học đã có sự phát triển nhanh chóng với quy mô ứng dụng và trình độ công nghệ ngày càng cao. Thị trường lao động ở các lĩnh vực y dược, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường... luôn đòi hỏi nhân lực công nghệ sinh học có chất lượng. Trên thực tế, ngành công nghệ sinh học đã được đào tạo tại các trường đại học lớn trong nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất, kinh doanh công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế.
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, công nghệ sinh học hiện nay là ngành thiết yếu, nhưng Việt Nam còn đi chậm và chưa đồng bộ. Hiện, các đơn vị đào tạo nhân lực đã chú trọng đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng khó khăn là thiếu sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập, cho nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Sinh viên ra trường chủ yếu đi làm trái nghề vì các cơ sở sản xuất chủ yếu mua công nghệ, không cần nhân lực chuyên môn sâu về công nghệ sinh học, gây lãng phí trong đào tạo nhân lực; các viện nghiên cứu về công nghệ sinh học đang trong quá trình tinh giản biên chế theo quy định.
Những vấn đề trên đã đặt ra những thách thức cho các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Các đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo cần có chính sách phù hợp để thu hút được đội ngũ nghiên cứu viên, giảng viên có chất lượng cao, và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất, thông qua sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ sinh học. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn lực trong việc đào tạo nhân sự và sinh viên công nghệ sinh học sẽ có cơ hội được tiếp xúc thực tế và có những kinh nghiệm nhất định trước khi tham gia thị trường lao động.
Công nghệ sinh học là ngành học đòi hỏi đam mê, kiên nhẫn và có khát vọng trở thành chuyên gia, nhà quản lý và sản xuất, kinh doanh giỏi trong những ngành khoa học và công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài những kiến thức chuyên môn được đào tạo tại cơ sở, nhân lực ngành công nghệ sinh học cần trang bị thêm cho mình các kỹ năng mềm, và không ngừng trau dồi trình độ ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn, phương pháp tư duy khoa học… để nâng cao chất lượng của bản thân, qua đó có thể thích ứng được với sự phát triển mạnh mẽ của ngành.
Theo/nhandan.vn