Nâng tầm doanh nghiệp Nhà nước: Động lực mới cho kinh tế Việt Nam
Trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế Nhà nước (KTNN), với lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), luôn được Đảng ta xác định là nền tảng vững chắc, giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới, yêu cầu phát triển bền vững, công bằng, bao trùm trong nước, khu vực này đang đứng trước đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

KTNN không chỉ lớn về quy mô, mà phải mạnh thực chất, hiệu quả và có khả năng dẫn dắt các thành phần kinh tế khác.
Giữ vai trò chủ lực trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu
Trước bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng, KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, khu vực này đang nắm giữ vai trò trụ cột trong các lĩnh vực then chốt như: năng lượng, tài chính, viễn thông, khai thác tài nguyên chiến lược, phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia...
Không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực, các DNNN còn là công cụ điều tiết thị trường, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và công bằng xã hội. Đảng và Nhà nước xác định rõ yêu cầu: KTNN không chỉ lớn về quy mô, mà phải mạnh thực chất, hiệu quả và có khả năng dẫn dắt các thành phần kinh tế khác.
Thực tiễn quốc tế cho thấy, việc xây dựng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước độc lập, vận hành theo nguyên tắc thị trường là xu thế phổ biến. Singapore là điển hình với Temasek Holdings hoạt động như một tập đoàn đầu tư độc lập, tỷ suất sinh lời ổn định 6–7%/năm. Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã xây dựng các mô hình quản trị tập trung, chuyên nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả DNNN.
Luật hóa chủ trương, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế
Từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX (năm 2001) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, đến Nghị quyết số 12-NQ/TW (năm 2017), Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; DNNN phải trở thành lực lượng vật chất quan trọng, dẫn dắt và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Luật số 68/2025/QH15 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2025, đã tạo hành lang pháp lý mới cho việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Luật này thể hiện bước tiến quan trọng trong thể chế hóa chủ trương của Đảng: tăng quyền tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ năm 2025, ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đến năm 2030.
Hiện nay, Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị về ban hành một nghị quyết mới nhằm phát triển DNNN trong giai đoạn tới, với mục tiêu khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá về cơ chế và chính sách để kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, bình đẳng; nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ xác lập định hướng chiến lược mới, tạo hành lang chính sách đồng bộ để DNNN thực sự trở thành lực lượng vật chất chủ đạo, giữ vai trò, sứ mệnh nòng cốt, dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác và có bước phát triển đột phá, thực chất trong thời gian tới.
Nhiều "điểm nghẽn" trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước một lần nữa được khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hỗ trợ, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng bộc lộ rất nhiều bất cập. Chỉ số ICOR trung bình của DNNN ở mức 6,1, cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Nhiều dự án do DNNN làm chủ đầu tư vẫn xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn lực. Về quản trị doanh nghiệp, nhiều DNNN vẫn duy trì mô hình quản lý mang tính hành chính, chưa ứng dụng đầy đủ thông lệ quản trị tiên tiến; chuyển đổi số còn chậm, dữ liệu phân tán.
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành đang chậm lại. Trong giai đoạn 2016–2023, cả nước chỉ cổ phần hóa thành công 36 doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc về pháp lý đất đai, định giá tài sản và tâm lý e ngại rủi ro khi triển khai.
Về tổ chức sở hữu, sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) giải thể vào tháng 3/2025, Bộ Tài chính được giao làm đại diện chủ sở hữu vốn tại 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, việc phân định rõ vai trò, cơ chế điều phối giữa Bộ Tài chính, SCIC và các bộ, ngành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Những giải pháp trọng tâm
Để phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả KTNN, tôi thấy rằng cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Hoàn thiện thể chế: Triển khai hiệu quả Luật số 68/2025/QH15; tách bạch quản lý nhà nước với đại diện sở hữu vốn; xây dựng cơ chế tổ chức chuyên nghiệp, minh bạch trong quản lý vốn nhà nước.
Đổi mới quản trị doanh nghiệp: Áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, xây dựng hệ thống KPI minh bạch; gắn kết trách nhiệm cá nhân với kết quả sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn: Tập trung thoái vốn khỏi ngành nghề không thiết yếu, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, áp dụng định giá thị trường để tránh thất thoát tài sản công.
Chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Ưu tiên đầu tư vào công nghệ lõi, nền tảng số; khuyến khích xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong DNNN.
Phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình: Phân quyền cho địa phương quản lý DNNN phù hợp, song đi đôi với nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giám sát.
Trong bối cảnh phát triển mới, KTNN với lực lượng nòng cốt là các DNNN vẫn giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự phát huy vai trò chủ đạo, không còn con đường nào khác ngoài tái cấu trúc toàn diện: vận hành theo nguyên tắc thị trường, quản trị hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp.
Bài học thành công từ các mô hình DNNN của Singapore, Hàn Quốc hay Trung Quốc là kinh nghiệm quý để Việt Nam tham khảo, từ đó xây dựng một khu vực DNNN năng động, hiệu quả, thực sự trở thành lực lượng vật chất quan trọng, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển. Khi đó, KTNN mới có thể thực hiện trọn vẹn sứ mệnh là "nền tảng vững chắc" trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.