Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng

13:47, 15/04/2025

Sáng 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, đặc biệt có 68 doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước trong khó khăn

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là cuộc làm việc thứ hai với các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian ngắn vừa qua. Trước đó, ngày 27/2/2025, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị làm việc với doanh nghiệp nhà nước với chủ đề "Nhiệm vụ, giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Theo Thủ tướng, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh tới chúng ta.

Theo Thủ tướng, trước những khó khăn, thách thức trong những năm qua như đại dịch COVID-19, xung đột nổ ra tại nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ…, chúng ta đều đã vượt qua được nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây, như trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bị bao vây, cấm vận, tiến hành công cuộc đổi mới từ "hai bàn tay trắng"… hay trong giai đoạn COVID-19. Do đó, càng khó khăn, thách thức thì toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội càng phải nỗ lực, trong đó có các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước khi chúng ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chúng ta phải giữ vững bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ cũng không chủ quan, lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, tự vượt qua giới hạn của chính mình để đổi mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, hiện, cùng với những nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta tập trung thực hiện những nhiệm vụ chiến lược như đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; hội nhập quốc tế trong tình hình mới với tinh thần bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, tham gia dẫn dắt và đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo và điều này là có cơ sở với nguồn nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đất nước ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào, vị trí địa lý chiến lược, nhiều tài nguyên chưa được khai thác, truyền thống văn hóa – lịch sử phong phú, hào hùng. Thủ tướng cho biết, nhiều chuyên gia, học giả đều khẳng định, con người vẫn là quan trọng nhất; trong doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất.

Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước.

Thủ tướng lưu ý, với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần yêu nước, tiên phong gương mẫu, các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa, cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc điều hành phiên thảo luận - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, phương pháp, cách làm khi chiến tranh thương mại đã xảy ra, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước khi gặp khó khăn về thương mại, Thủ tướng đặt mục tiêu không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phải làm tốt hơn, thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm nay, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần tăng trưởng nhanh, hướng đến tăng trưởng hai con số và phát triển kinh tế bền vững; tham mưu, hiến kế của các doanh nghiệp cho Chính phủ để ứng phó chủ động, phù hợp, hiệu quả với những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay về thương mại - đầu tư quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước một lần nữa được khẳng định và phát huy là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hỗ trợ, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đến hết năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh. Các dự án cơ bản đều đã được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Các dự án của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Các ý kiến cho rằng, với vai trò của mình, doanh nghiệp nhà nước cần dẫn dắt và thiết lập chuẩn mực các tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình số hóa mẫu, quy trình vận hành hiệu quả để định hướng cho toàn ngành.

Doanh nghiệp nhà nước phải là một lực lượng quan trọng thực hiện các chiến lược của Chính phủ trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các doanh nghiệp có thể đi đầu trong triển khai các nền tảng dùng chung, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở..., đi đầu trong việc đầu tư vào công nghệ mới như: AI, IoT, Blockchain, Big Data… với mục tiêu hiện đại hóa quản lý, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở rộng phạm vi phục vụ. Cụ thể là cần tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý với những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng tận dụng được thế mạnh, phấn đấu cao, nỗ lực đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực và mục tiêu chung của cả nền kinh tế.

Lãnh đạo các bộ, ngành dự Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Vừa phát triển cho chính mình, vừa phát triển cho đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, đi đúng vào chủ đề Hội nghị; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến, chuẩn bị và trình ban hành sản phẩm của Hội nghị là một Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và năm 2045) đã đề ra.

Thủ tưóng nhấn mạnh yêu cầu ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp; doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, tăng trưởng nhanh, bền vững để góp phần tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách.

Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng về giải pháp chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: Các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng lưu ý, tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về xuất khẩu, Thủ tướng đánh giá hiện đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn chúng ta đã vượt qua; không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Về tiêu dùng, cần chú trọng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức; đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.

Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp cần đánh giá, khuyến khích, khen thưởng đúng lúc, kịp thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải cắt giam thủ tục hành chính về khoa học công nghệ. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp trên thế giới, thị trường trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", nhắc lại yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.