Hơn 800.000 liều vắc xin đầu tiên từ Covax đã về Việt Nam
Ngay khi về đến Việt Nam, lô vắc xin này được chuyển đến bảo quản tại kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau đó Bộ Y tế sẽ điều phối phân bổ vắc xin để tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố trong tháng 4/2021.
9h30 sáng nay ngày 1/4, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên của Covax đã tới Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Y tế có mặt tại sân bay Nội Bài để tiếp nhận lô vắc xin viện trợ.
Lô vắc xin lần này gồm 811.200 liều sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bảo quản, chờ kế hoạch phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng tiếp nhận lô vắc xin tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo kế hoạch, Covax sẽ cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca. Lô đầu tiên dự kiến về ngày 25/3 với 1,37 triệu liều. Tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế nên tiến trình cung ứng vắc xin bị chậm lại và lô đầu tiên đến Việt Nam ít hơn kế hoạch.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, do chậm trễ trong sản xuất, việc giao hàng bị chậm ở tất cả quốc gia tham gia Covax, không riêng Việt Nam.
Covax vẫn cam kết cung cấp đủ cho Việt Nam 4,176 triệu liều trong các đợt từ nay đến cuối tháng 5. Các lô còn lại sẽ về vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Toàn bộ số vắc xin này sẽ được COVAX cung cấp miễn phí thông qua UNICEF mua và cung ứng.
Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ Covax, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua.
Vừa qua, ngày 24/2, Việt Nam mới nhận được 117.600 liều vắc xin AstraZeneca thông qua kế hoạch đặt mua và hiện đã triển khai tiêm cho gần 50.000 người.
Ngoài AstraZeneca, ngày 23/3 vừa qua, Việt Nam tiếp tục phê duyệt khẩn cấp thêm vắc xin Sputnik của Nga để phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.
Với nguồn vắc xin trong nước, dự kiến cuối tháng 9 tới, Việt Nam sẽ hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen, khi đó có thể tự chủ được vắc xin Covid-19.
COVAX Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19”. Cơ chế này được lập ra bởi WHO, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng GAVI, UNICEFF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh CEPI và các nhà sản xuất vắc xin, các đối tác.
COVAX được thiết lập nhằm đảm bảo cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin phòng COVID-19. Hiện COVAX có 92 thành viên.
Phương Mai