Hơn 88% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 Bộ GTVT có phát sinh hồ sơ

Hữu Ích 11:32, 11/06/2020

Cùng với việc hoàn thành tỷ lệ 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4, hiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn có có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 có phát sinh hồ sơ lên tới 88,16%.

Hơn 88% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 Bộ GTVT có phát sinh hồ sơ
 
Tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ Giao thông Vận tải là 262 dịch vụ, đạt tỷ lệ 57,84%.

Thêm Bộ GTVT cán mốc 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4

Theo thống kê của Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông Vận tải, trong tổng số 453 thủ tục hành chính của ngành Giao thông Vận tải, có 366 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và gần 90 thủ tục liên quan đến các địa phương.

Cơ quan này cũng cho biết, gần như tất cả thủ tục hành chính được Bộ Giao thông Vận tải triển khai cung cấp trực tuyến mức độ cao đều có phát sinh hồ sơ với tỷ lệ rất cao.

Cụ thể, theo yêu cầu được đưa ra tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương cần đạt từ 20% trở lên.

Trong khi đó, thực tế tại Bộ Giao thông Vận tải, trong 125 dịch vụ công trực tuyến mức 3, số dịch vụ có phát sinh hồ sơ là 109, đạt 87,2%. Với 137 dịch vụ công trực tuyến mức 4 của Bộ này, số dịch vụ có phát sinh hồ sơ là 122, đạt hơn 89%.

Trung bình hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải có khoảng 800.000 hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ có khoảng gần 100.000 tài khoản của doanh nghiệp và người dân, trong đó chủ yếu là tài khoản của các doanh nghiệp.

Trong thông tin mới chia sẻ với ICTnews, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa trở thành đơn vị thứ 13 hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương khác gồm các bộ, ngành: KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Nam Định.

Thống kê của Cục Tin học hóa cho thấy, tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ Giao thông Vận tải là 262 dịch vụ, đạt tỷ lệ 57,84%. Trong đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 137 dịch vụ, đạt tỷ lệ 30,24% (tỷ lệ này thời điểm cuối năm 2019 là 28,27%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải đạt 88,16%, cao hơn nhiều tỷ lệ trung bình của các bộ, ngành, địa phương tính đến tháng 5/2020 (25,64%) .Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ Giao thông Vận tải đạt 54,68%.

Triển khai quyết liệt nhiều biện pháp

Đánh giá cao kết quả Bộ Giao thông Vận tải đã đạt được, đại diện Cục Tin học hóa nhận định, thời gian qua, Bộ này đã tích cực thực hiện các biện pháp quyết liệt để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và rà soát để lựa chọn các thủ tục hành chính đưa lên dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả cao; tận dụng để nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin hiện có nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tập trung triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giảm thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục trực tuyến. Đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Tùng, quyền Giám đốc Trung tâm CNTT - Bộ Giao thông Vận tải, một trong những kinh nghiệm triển khai thành công việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp là Bộ đã áp dụng mô hình quản lý tập trung ngay từ đầu với những nhóm dịch vụ cần trao đổi dữ liệu giữa các tỉnh. Việc này giúp tiết kiệm chi phí, không có tình trạng mỗi tỉnh một hệ thống.

Đơn cử như từ năm 2017, Bộ đã xây dựng hệ thống dịch vụ công cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, cấp đổi biển hiệu triển khai cho 63 Sở Giao thông Vận tải với dữ liệu tập trung về Tổng cục Đường bộ. Sau hơn 3 năm triển khai, đây là một trong những nhóm dịch vụ được đánh giá khá hiệu quả; hiện việc quản lý giấy phép kinh doanh vận tải, hồ sơ thẩm định… của các tỉnh đều bằng hồ sơ điện tử, không còn hồ sơ giấy.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, trong toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ công, Bộ Giao thông Vận tải cũng chú trọng việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện dữ liệu điện tử.

Theo đó, từ trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định việc giải quyết theo hướng sử dụng dữ liệu điện tử, thực hiện cấp phép điện tử đối với những thủ tục hành chính có thể thực hiện theo phương thức điện tử.

Chẳng hạn như, trong Nghị định 58 ngày 10/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải đã hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu để đưa vào đó quy định việc giải quyết thủ tục tại các cảng biển được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Nhấn mạnh quan điểm muốn giải quyết được thủ tục trực tuyến, cơ quan nhà nước phải có cơ sở dữ liệu, ông Tùng cho hay, nếu không có dữ liệu, cuối cùng cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục sẽ vẫn phải yêu cầu người dân, doanh nghiệp xuất trình hồ sơ giấy.

Vì thế, thời gian qua, để giảm thành phần hồ sơ người dân, doanh nghiệp phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục trực tuyến, song song với việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tích hợp để sử dụng dữ liệu của các ngành khác phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính điện tử.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ TT&TT thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu NGSP. Nhờ đó, thay vì yêu cầu các doanh nghiệp phải xuất trình giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính như xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải như trước đây, từ năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép thí điểm bỏ thành phần hồ sơ này.

Hiện tại, để phục vụ cho việc triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai tích hợp với Cơ sở dữ liệu về kết quả khám sức khỏe của Bộ Y tế; cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Công an.

 Theo Vân Anh/ictnews