Huy chương đồng IJSO 2024 Nguyễn Thành Nhân: "Em thấy xúc động tự hào khi nghe 2 tiếng Việt Nam"

12:27, 18/01/2025

“Niềm sung sướng, niềm vinh dự vỡ òa! Em thấy xúc động, tự hào khi nghe hai tiếng “Việt Nam”, nhất là hai tiếng thiêng liêng đó vang lên trên lễ đài vinh danh quốc tế, nơi mà 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có đoàn tham dự thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế”- Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.

Tháng 12 năm 2024, Đội tuyển tham dự Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2024) của Việt Nam có 6 thành viên thì cả 6 thí sinh đều giành huy chương, với 5 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Trong đó, em Nguyễn Thành Nhân (Học sinh lớp 10 Hóa 1, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ) giành Huy chương Đồng. Trở về từ cuộc thi, em Nguyễn Thành Nhân đã có vài chia sẻ cùng Phóng viên Tạp chí Tin hoc và đời sống.

Nguyễn Thành Nhân nhận vòng nguyệt quế của Giám đốc Sở GD&ĐT tại sân bay.

PV: Chào Thành Nhân, có lẽ được nhận giải trước cuộc thi khoa học mà có tới 52 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, cảm xúc của em sẽ rất đặc biệt. Em hãy chia sẻ cảm xúc của em lúc đó?

Nguyễn Thành Nhân: Niềm sung sướng, niềm vinh dự vỡ òa! Em thấy xúc động, tự hào khi nghe 2 tiếng “Việt Nam”, nhất là hai tiếng thiêng liêng đó vang trên lẽ đài vinh danh quốc tế, nơi có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có đoàn tham dự thi Olympic Khoa học trẻ. Em là người đầu tiên của đoàn Việt Nam lên nhận huy chương, cảm xúc lại càng rõ ràng hơn.

PV: Được biết, em chỉ còn thiếu có hơn 1 điểm sẽ gành huy chương Bạc. Vậy, em có thấy tiếc nuối gì không?

Nguyễn Thành Nhân: Em đã làm hết sức mình. Khi khoác lá cờ tổ quốc trên vai nhận giải, em nghĩ mình đã không làm thầy cô, bạn bè, gia đinh thất vọng. Như thế là đủ vui rồi. Nếu nói đáng tiếc thì bạn Tùng Lâm sẽ đáng tiếc hơn em nhiều (Tùng Lâm chỉ thiếu 0,2 điểm là giành huy chương Vàng). Em nghĩ, thay vì hối tiếc hãy dành thời gian để nỗ lực cho những cơ hội sau ạ!

PV: Em có thể chia sẻ quá trình mình tham gia cuộc thi này chứ?

Nguyễn Thành Nhân: Thực ra, em biết đến cuộc thi này cũng khá muộn. Sau khi làm thủ tục nhập học vào Trường PTTH Chuyên Nguyễn Huệ, đầu tháng 9, em được cô chủ nhiệm thông báo về kỳ thi chọn Đội tuyển thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế của Sở GD&ĐT Hà Nội. Điều kiện được tham gia thi là các bạn Đạt giải nhất, nhì HSG Thành phố môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Khoa học hoặc được 6 điểm môn chuyên trở lên. Đối chiếu điều kiện, em thấy mình đủ điều kiện và đăng ký tham gia thi. Trước khi vào cuộc thi, các thầy cô trường Nguyễn Huệ đã tổ chức lớp ôn lại kiến thức THCS với hơn 80 bạn đủ điều kiện. Khi thi em vẫn chỉ nghĩ đây là cuộc cọ sát, em làm với tâm thế thoải mái nhất.

Điều may mắn em được giải nhất cuộc thi chọn đội tuyển này, lọt vào đội tuyển 6 bạn được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội chọn đi dự thi tại Rumani. Đó là giây phút bất ngờ, sung sướng nhất của em. Em biết, với điều kiện là các bạn đạt giải nhất nhì các môn tại kỳ thi học sinh giỏi thành phố, hàng trăm bạn như vậy, thì cơ hội đến với em khá mong manh.

Gia đình và nhà trường đón Nguyễn Thành Nhân ở sân bay.

PV: Bên cạnh niềm vui, em có nỗi lo gì khi tham gia đội tuyển?

Nguyễn Thành Nhân: Sung sướng bao nhiêu, hạnh phúc bao nhiêu thì em thật sự hoang mang, áp lực, lo lắng bấy nhiêu khi bắt đầu buổi học ôn luyện tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amseterdam. Em nhớ như in cái cảm giác lạc lõng hôm đó. Xung quanh em các bạn đều đã quen biết nhau và ít nhiều đã có trải nghiệm về cuộc thi này. Còn em mọi thứ như lạ lẫm và mới toanh, những điều cô giáo dạy, các bạn dường như đã biết, còn em chưa biết gì. Có lúc em đã nghĩ: Liệu mình có thể trụ được ở đây không?

Những tuần đầu với em cảm giác sung sướng tự hào và lo lắng đan xen. Em nghĩ: Mình được những ưu đãi tốt nhất, cách nói đùa của chúng em là “được ăn cơm nhà nước” (nhà nước tài trợ kinh phí đi thi và ôn luyện), cảm giác về “trách nhiệm với màu cờ sắc áo” khá nặng nề.

Em hòa dần vào nhịp học tập của 5 bạn nhưng cũng cảm thấy mình chỉ như một chú rùa từ ao làng sóng đánh ra sông lớn. Các bạn giỏi giang và biết nhiều hơn em. Mặc dù đã nỗ lực tự học nhưng em vẫn thấy kiến thức vô cùng rộng, nhiều công thức khó nhớ. Có nhiều hôm em thức đến 4h sáng để đánh vật với bài vở...

Dù thức muộn nhưng hôm nào em cũng bố trí thời gian tóm tắt lại các bài giảng trên lớp của cô, em viết công thức cần nhớ vào cuốn sổ tay...

Trong lúc em hoang mang vì kiến thức quá nhiều, may thay cô Kim Phương Hà (chủ nhiệm lớp em) đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các thầy cô dạy sinh, dạy lý của trường Nguyễn Huệ. Nhiều hôm, sau khi học 3 ca tại đội tuyển, tối em chạy qua nhà thầy để thầy hướng dẫn và đêm về lại làm bài tập. Ròng rã 2 tháng rất ít ngày em ngủ trước 2 giờ sáng.

Nhiều lần vì mệt quá, em vừa ngồi sau xe mẹ vừa ngủ gật. Nhiều lúc bà, bố mẹ em chứng kiến em thức khuya nhiều ngày, đều ước gì kỳ thi trôi thật nhanh để em được nghỉ. Nghĩ lại chặng đường đã qua, em không biết mình lấy động lực từ đâu có thể làm được như vậy. Có lẽ, vì em nghĩ ra nước ngoài thi, trên vai em không chỉ có thành tích cá nhân em mà còn bao người dõi theo và hy vọng.

PV: Nếu nói là bí quyết hay lý do gì để em góp mặt vào cuộc thi này, em sẽ nói gì?

Nguyễn Thành Nhân: Thực ra, em không có bí quyết gì ngoài HỌC ĐỀU. Bản thân em cũng thích các môn khoa học tự nhiên. Trong khi các bạn, chỉ tập trung lo ôn thi vào lớp 10 bằng 3 môn Toán- Văn- Anh, em vẫn tập trung nghe giảng và học đều các môn trên lớp. Đấy là vốn kiến thức để em có thể giành được một suất vào đội tuyển thi IJSO 2024.

PV: Trải nghiệm từ sân chơi IJSO đã mang đến cho em những gì?

Nguyễn Thành Nhân: Thật sự đây là sân chơi rất tuyệt. Chúng em không chỉ được nghiên cứu khoa học như những nhà khoa học, không chỉ được thi thố tài năng vì màu cờ sắc áo mà còn được giao lưu văn hóa với rất nhiều bạn ở 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những ngày thi, chúng em không được dùng điện thoại, chỉ có thầy tình nguyện viên hỗ trợ. Vui buồn, lo lắng chúng em chỉ có thể tự chia sẻ với nhau mà không có bố mẹ ở bên cạnh.  Cũng chính vì vậy mà chúng em tự lập tốt hơn, Em cũng cải thiện được tính nhút nhát, tự tin hơn trước đám đông. Nói thật là xem lại ảnh ngày ra mắt đội tuyển với ngày trở về, em thấy khác nhau nhiều quá.

Các cô dẫn dắt đội tuyển vẫn đùa: “Em thành công không phải vì huy chương mà đã thay đổi và trường thành hơn”.

Còn điều quan trọng nữa, em nhận thấy trong hành trình chinh phục tri thức, em không hề đơn độc, em luôn được các thầy cô đồng hành giúp đỡ. Qua đây, cho em gửi lời cảm ơn đến các cô lãnh tuyển ISO-2024 và cô Lương Quỳnh Lan- Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, cô chủ nhiệm Kim Phương Hà và các thầy Phú, thầy Hoài Anh, cô Hiên đã luôn đồng hành cùng em. Cho em gửi lời cảm ơn đến thầy cô trường THCS Lê Quý Đôn- Hà Đông, những người đã cho em kiến thức nền để vào cuộc thi này. Quan trọng nữa là nhờ sự nhiệt tình, sát sao của Ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chúng em được thể hiện khả năng của mình trên đấu trường tri thức, khoa học IJSO.

PV: Vậy em có mong muốn gì, có lời nhắn nhủ gì để Việt Nam giành được nhiều giải thưởng hơn ở những cuộc thi quốc tế như thế này?

Nguyễn Thành Nhân: Em nhận thức rất rõ, khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của đất nước. Em mong rằng Việt Nam sẽ có nhiều hơn những giải cao tại các cuộc thi khoa học quốc tế, không chỉ có Olympic Khoa học trẻ mà còn các kỳ Olympic Khoa học khác như Olymic Toán học, Olympic Hóa học, Olympic sinh học, Olympic Vật lý...

Em mong Việt Nam có nhiều hơn nhân tài khoa học công nghệ để công hiến nhiều hơn những sáng chế, phát minh có giá trị ứng dụng cao để đất nước ta giàu mạnh hơn . Chỉ có như vậy, đất nước Việt Nam mới có thể sánh vai với các nước 5 châu như lời Bác Hồ căn dặn.

Để làm được điều này, có lẽ cần phải truyền ngọn lửa đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học đến từng học sinh ngay từ bậc học THCS. Cách truyền lửa tốt nhất là giảm học chay, giảm học lệnh trong nhà trường. Em mong chúng em được thực hành nhiều hơn để ghi nhớ, tiếp cận và đam mê khoa học sớm hơn. Khi thi thực hành em mới hiểu tại sao các bạn nước ngoài có điểm thực hành tốt hơn chúng ta. Bởi, các bạn ấy được học lý thuyết và kết hợp thực hành nhiều hơn chúng em.

Xin cảm ơn em!

Olympic Khoa học trẻ quốc tế - IJSO năm 2024 được tổ chức tại Rumani từ ngày 2 - 12/12, với sự tham gia của hơn 300 học sinh đến từ 52 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các thí sinh làm bài thi khoa học tự nhiên ở 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong 240 phút. Mỗi môn, học sinh phải dự thi 3 bài gồm: Bài thi trắc nghiệm khách quan về kiến thức chung; bài thi lý thuyết với yêu cầu những kỹ năng tổng hợp, phân tích, tự chủ, giải quyết vấn đề, tính toán, khoa học, sự sáng tạo; bài thi thực hành với kỹ năng sử dụng các dụng cụ, máy móc hiện đại. 

Mỗi bài thi đều đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức còn phải có năng lực giao tiếp, hợp tác, chia sẻ và giải quyết vấn đề. Đề thi IJSO được đánh giá là khó và nặng, do Ủy ban học thuật IJSO thế giới phụ trách, mang đặc thù giáo dục nền tảng và hàn lâm của khối Châu Âu.

Theo Tạp chí in số 1/2025