Huyền thoại bảo mật Mikko Hypponen trả lời các câu hỏi về tiền mã hóa
Theo huyền thoại bảo mật Mikko Hypponen, Giám đốc Nghiên cứu F-Secure, việc đầu tư vào tiền mã hoá hoàn toàn không được bảo vệ, không có gì đảm bảo và giá trị đầu tư các đồng tiền mã hóa có thể trở về số không bất kỳ lúc nào.
PV: Nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam cần cân nhắc gì khi tham gia thị trường đầy rủi ro này?
Đầu tư vào tiền mã hoá hoàn toàn không được bảo vệ. Không có gì đảm bảo cả, giá trị đầu tư các đồng tiền mã hóa có thể trở về số không bất kỳ lúc nào. Luật pháp và quy định hiện hành tại Việt Nam và thế giới không bảo vệ nhà đầu tư trong thị trường này. Vì giao dịch chuyển tiền mã hóa không thể đảo ngược nên nếu đồng tiền trong bị ăn trộm, chuyển sang tài khoản khác thì không có cách nào lấy lại được.
PV: F-Secure có thống kê gì về các sự cố bảo mật trong lĩnh vực đầu tư tiền mã hóa không?
Chúng tôi biết hàng chục trường hợp tiền mã hóa bị hack hoặc rò rỉ. Có những vụ mất coin trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Đây là các vụ trộm có tổ chức. Ví dụ: Một trong những cách dùng mồi nhử đang được cộng đồng cảnh báo là trộm tài sản thông qua airdrop (tặng coin miễn phí). Cụ thể, nhiều người dùng đột nhiên nhận được số token lạ trị giá hàng chục nghìn USD. Khi nhận được số token có giá trị cao, nhà đầu tư thường tò mò và lên sàn phi tập trung (DEX) để quy đổi sang USDT.
Tuy được liệt kê với giá trị rất cao, các loại token này lại không được giao dịch và quy đổi trên các DEX lớn. Khi đó, kẻ lừa đảo có thể gợi ý người dùng vào các sàn nhỏ và thiếu tin cậy, hoặc đưa khóa bí mật cho chúng.
Chính tâm lý tò mò với khoản tiền lớn đã khiến nhiều nhà đầu tư cấp quyền truy cập cho kẻ gian. Sau khi giao dịch, kẻ lừa đảo sẽ có quyền truy cập vào ví cá nhân của người dùng và đánh cắp toàn bộ tài sản.
Còn các vụ mất trộm coin cá nhân thì quá nhiều không thống kê hết nổi.
PV: Tháng 11/2021, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa cả ở Việt Nam và nước ngoài bị mất trộm coin trong ví tiền điện tử . Hacker tạo các website giả mạo thậm chí chạy Google SEO để dẫn dụ người dùng truy cập vào. Theo ý kiến của Ông, có cách nào để người dùng giữ ví tiền ảo của mình an toàn không?
Để tránh bị mất trộm coin online thì bạn chỉ nên giữ lượng coin ít nhất trên mạng và có thể truy cập được, chuyển đa số coin xuống offline. Không dùng đường dẫn website và không tìm kiếm đường link trên công cụ tìm kiếm để truy cập ví dụ như google search mà hãy truy cập vào ví online bằng đường dẫn bạn đã lưu sẵn trên máy tính (bookmark trước đó),…
Bạn cần thận trọng trước các tấn công lừa đảo (phishing). Và nhất là nếu cái gì đẹp như mơ thì nó không có thật đâu, chỉ có thể là lừa đảo.
PV: F-Secure có công cụ hay phần mềm nào bảo vệ người dùng trên các nền tảng giao dịch tiền mã hóa hay ví tiền điện tử không, thưa Ông?
Công cụ bảo mật web của F-Secure chặn các trang lừa đảo phishing và giả mạo scam, phần mềm bảo vệ thiết bị đầu cuối chặn phần mềm độc hại ăn cắp mật khẩu hoặc chuỗi ví số và chặn keylogging. Ngoài ra, F-Secure TOTAL cho phép người dùng truy cập giao dịch online an toàn và dễ dàng hơn bằng cách nhớ mật khẩu phức tạp cho bạn cùng lớp bảo mật qua VPN giúp bạn an toàn hơn. Mật khẩu phức tạp khó nhớ mới đảm bảo an toàn, khó đoán và ít khả năng bị mất hơn mật khẩu đơn giản.
PV: Có nhiều cổng đầu tư lừa đảo trong lĩnh vực tiền mã hóa – hype, qua đó người dùng kết nối ví vào các dự án này sau đó mất hết tiền. Ông có thể giải thích thêm về cách làm của hacker không?
Hacker dùng hype để thu hút tiền vào. Chúng tạo website giống hệt các chiến dịch thu hút đầu tư thật hoặc dùng mạng xã hội để lừa người dùng. Thường chúng giả mạo danh tính những người nổi tiếng trong lĩnh vực tiền ảo (như Elon Musk) để dụ người dùng vào các cơ hội đầu tư tốt, lợi nhuận cao.
Tại Việt Nam, ví dụ gần nhất là vụ đánh bạc online 88.000 tỷ mới bị phát hiện. Người chơi chỉ cần đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng mua tiền ảo khác để cá cược trên trang web.
Ngoài ra, nhóm lừa đảo còn thường xuyên quảng bá, mời gọi người tham gia dưới dạng đầu tư tài chính lợi nhuận cao.
PV: Vậy theo ông cách tốt nhất để bảo vệ tiền mã hóa là gì? Ví lạnh? Lưu trữ trên các nền tảng giao dịch tiền mã hóa? Hay ví mã hóa như Metamask, Trust?
Cách tốt nhất để lưu trữ tiền mã hóa là trong ví lạnh và lưu chuỗi mật khẩu passphrase ở nơi an toàn. Cách tốt nữa là dùng ví cứng như thiết bị Trezor. Ví nội bộ như Metamask tiện lợi ở chỗ cho phép bạn truy cập trực tiếp vào các đồng coin, nhưng bạn chỉ nên lưu lượng nhỏ coin trên đó.
Để coin trên tài khoản giao dịch là cách dễ nhất nhưng cũng dễ bị hack nhất, khi đó bạn sẽ mất hết. Cách hack phổ biến nhất hiện tại là hoán đổi sim. Khi tin tặc có quyền truy cập vào số điện thoại của nạn nhân, chúng sử dụng nó để đặt lại mật khẩu và xâm nhập vào tài khoản của nạn nhân bao gồm email và tài khoản trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Do đó, họ có quyền truy cập vào tiền điện tử được lưu trữ trên ví nóng.
Sinh viên Joel Ortiz ở California đã đồng ý nhận bản án tù 10 năm vì trộm 5 triệu USD tiền mã hóa thông qua việc hoán đổi SIM (SIM swapping). Kĩ thuật này được Ortiz sử dụng để tạo ra những yêu đồi đổi SIM để rồi chiếm đoạt số điện thoại của người khác và lấy trộm mã đăng nhập 2 lớp. Có tổng cộng 40 nạn nhân liên quan tới vụ án. Đây là lần đầu tiên một người bị tuyên phạt tù tại Mỹ vì tội này.
Mikko Hypponen là một chuyên gia bảo mật toàn cầu, được mệnh danh là huyền thoại bảo mật thế giới. Ông làm việc tại F-Secure từ năm 1991. Mikko thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế và có nhiều bài nghiên cứu giá trị được đăng tải trên New York Times, Wired and Scientific American. Ông tham gia giảng dạy tại các trường đại học Stanford, Oxford và Cambridge. Ông đã được tạp chí PC World bình chọn là một trong số 50 người quan trọng nhất trên web và được đưa vào danh sách 100 người có tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Năm 2020, Mikko Hypponen được CISO MAG bình chọn là Nhân vật bảo mật của năm. |
Mai Ngọc