Apple mở rộng cánh cửa công nghệ cho người khiếm khuyết

12:52, 20/05/2025

Nhân dịp Ngày nhận thức toàn cầu về trợ năng (15/5), Apple đã công bố loạt tính năng mới trên iPhone và iPad nhằm hỗ trợ người khiếm thị, khiếm thính và người dùng có nhu cầu đặc biệt. Các tính năng này sẽ được phát hành miễn phí vào cuối năm 2025.

Điểm nổi bật trong các tính năng mới bao gồm:

Live Listen (Phụ đề trực tiếp): Hiển thị phụ đề theo thời gian thực cho lời nói, hỗ trợ người khiếm thính trong các tình huống như trò chuyện, xem video hoặc học tập. Khi dùng cùng AirPods Pro, tính năng này còn giúp cải thiện chất lượng âm thanh, biến tai nghe thành thiết bị trợ thính cơ bản.

Nhân bản giọng nói cá nhân (Personal Voice Cloning): Giảm số câu mẫu từ 150 xuống còn 10, giúp người dùng tạo bản sao giọng nói của chính mình nhanh chóng và an toàn. Dữ liệu giọng nói được mã hóa và lưu trữ trên thiết bị hoặc iCloud.

Công cụ kính lúp (Magnifier) trên Mac: Cho phép kết nối với iPhone để phóng to nội dung từ bảng trắng, màn hình,... kèm theo các tùy chọn về độ sáng, độ tương phản và màu sắc.

Cải tiến trình đọc chữ nổi: Hỗ trợ nhập nội dung bằng màn hình cảm ứng hoặc thiết bị chữ nổi chuyên dụng, đồng thời tương thích với mã Nemeth trong toán học và khoa học.

“Nhãn trợ năng” trên App Store: Apple lần đầu tiên yêu cầu các nhà phát triển khai báo rõ các tính năng trợ năng mà ứng dụng hỗ trợ (như VoiceOver, điều khiển bằng giọng nói,...), giúp người dùng dễ lựa chọn ứng dụng phù hợp, đồng thời thúc đẩy phát triển ứng dụng toàn diện hơn.

Ra mắt vào cuối năm nay, tính năng Kính Lúp cho Mac hoàn toàn mới sẽ mang thế giới vật lý đến gần hơn với người dùng có thị lực kém.

Bà Sarah Herrlinger, Giám đốc cấp cao phụ trách chính sách trợ năng toàn cầu của Apple, nhấn mạnh: “Tất cả các tính năng trợ năng sẽ được tích hợp miễn phí trong hệ điều hành, không thu thêm bất kỳ khoản phí nào”.

Trong khi đó, ông Chris Edwards - chuyên gia trợ năng khiếm thị từ tổ chức Vision Australia - đánh giá cao những cải tiến mới, đặc biệt là khả năng đọc hình ảnh và hỗ trợ chữ nổi, cho rằng đây là bước tiến lớn giúp học sinh, sinh viên khiếm thị dễ dàng tiếp cận tri thức hơn.