Indonesia chi mạnh cho chương trình số hóa trường học
Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đang đề xuất gói ngân sách 1.490 tỷ rupiah (100 triệu USD) dành cho các chương trình số hóa trường học để rút ngắn khoảng cách công nghệ trong giáo dục.
Đề xuất trên vừa được Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Nadiem Makarim công bố tại phiên điều trần trước Ủy ban X (giám sát các vấn đề giáo dục) thuộc Hạ viện Indonesia.
Trong gói ngân sách đề xuất này, Bộ Giáo dục và Văn hóa sẽ phân bổ 1.100 tỷ rupiah để mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin truyền thông thích hợp, trong đó có máy tính xách tay, dành cho sinh viên và giáo viên.
Các thiết bị trên sẽ được cung cấp vào năm tới nhằm chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực tối thiểu - chương trình đánh giá giáo dục mới được đề xuất thay thế cho kỳ thi quốc gia hiện nay.
Ngoài ra, 132 tỷ rupiah sẽ được giải ngân nhằm cải thiện các chương trình giáo dục được phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia TVRI vốn được Bộ trưởng Nadiem đánh giá là đã được công chúng đón nhận tích cực.
Ngoài ra, bộ trên sẽ phân bổ 109 tỷ rupiah nhằm tiếp tục cải tiến các nền tảng kỹ thuật số và dành 74 tỷ rupiah còn lại cho công tác soạn thảo tài liệu học tập và xây dựng các mô hình giáo dục kỹ thuật số.
Bộ trưởng Nadiem - người từng lãnh đạo hãng công nghệ GoJeck - khẳng định rằng gói ngân sách này là nhằm cung cấp cho các trường học quyền tự do truy cập thông tin và thu hẹp khoảng cách giữa các trường. Mặt khác, dự án cũng cho phép trẻ em tự do học hỏi từ nhiều nguồn và kênh khác nhau.
Cũng tại phiên điều trần trước Hạ viện, Bộ trưởng Nadiem đã đề xuất các gói ngân sách dành cho các chương trình ưu tiên khác của Bộ Giáo dục và Văn hóa, trong đó có 27.000 tỷ rupiah tài trợ cho ngành giáo dục, 5.200 tỷ thúc đẩy đào tạo nghề, và 4.400 tỷ cho chương trình Kampus Merdeka (Tự do Học đường).
Bộ Giáo dục và Văn hóa cũng đề xuất 2.600 tỷ rupiah cho các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức cho các giáo viên, 1.400 tỷ để cải thiện chương trình giảng dạy và đánh giá năng lực; và 622,6 tỷ cho các chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa.
Minh Thùy (t/h)