Intel công bố các giải pháp về IoT mới nhất
09:54, 23/09/2015
Intel đã tổ chức Hội nghị về các giải pháp Internet của Vạn Vật (Internet of Things – viết tắt là IoT) vào ngày 22/9/2015 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện về IoT mà Intel tổ chức trên toàn cầu cũng như trong khu vực Thái Bình Dương kể từ đầu năm 2015 nhằm gia tăng sự nhận biết về việc Internet của Vạn Vật đang thay đổi thế giới từ những thiết bị độc lập không được kết nối thành các thiết bị có khả năng kết nối với internet giúp tạo ra sự liên kết và trao đổi với nhau thông qua điện toán đám mây, điều này đem đến những cơ hội để thay đổi cách thức kinh doanh, nâng cao đời sống con người và thế giới bằng nhiều cách khác nhau. Hoạt động này đồng thời giới thiệu các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của Intel được áp dụng một cách phù hợp giúp xây dựng các giải pháp đầu cuối IoT một cách bảo mật và xuyên suốt, nhằm nâng cao đời sống con người, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước cùng nhiều lợi ích khác.
Đầu tiên, Intel đưa ra nền tảng cho thị trường, được gọi là Trạm kết nối (Gateway) với sự đa dạng về chỉ số giá cả/ hiệu năng cho phép khách hàng kết nối các loại thiết bị hiện có với điện toán đám mây. Trạm kết nối này là nền tảng tích hợp và được xác thực gồm phần cứng và phần mềm từ McAfee và Wind River, để đảm bảo rằng dữ liệu giữa các thiết bị và cơ sở hạ tầng hiện có hoặc điện toán đám mây có thể được trao đổi một cách an toàn.
Thứ hai, Intel đang bổ sung danh mục sản phẩm giúp mở rộng tầm với vào các ứng dụng IoT đang phát triển với nhu cầu sử dụng ít năng lượng (low power) như Intel Quark SoC X1000, Intel Atom E3800, và mới đây nhất là sản phẩm Intel Quark microcontroller D1000 có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, bán lẻ cũng như trong các phân khúc sản phẩm khác của Intel như Nhóm hệ thống mạng và Thiết bị lưu trữ.
Thứ ba, Intel đang hoàn thiện các Khối phát triển dùng chung (Building block) có thể sử dụng xuyên suốt cho nhiều ứng dụng ngành dọc khác nhau giúp giảm thời gian phát triển sản phẩm, nhằm giúp cho các đối tác công nghệ đưa giải pháp và sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, để tạo môi trường phát triển hệ sinh thái IoT trên toàn cầu một cách đơn giản với khả năng kết nối cao, Intel đã sáng lập ra Liên minh Giải pháp IoT của Intel (Intel IoT Solution Alliance - ISA), đây là một trong những hệ sinh thái công nghệ đáng tin cậy và được công nhận nhất trên thế giới. Hiện nay Liên minh ISA đã có trên 400 thành viên và hơn 5.000 giải pháp IoT được công bố để cho khách hàng, đối tác IoT có thể dễ dàng tìm kiếm và lắp ghép các thành phần để xây dựng và hoàn thiện giải pháp của mình với chi phí tối ưu và rủi ro thấp nhất.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Intel chia sẻ cách tiếp cận của Intel về công nghệ, về cách xây dựng và phát triển hệ sinh thái, đồng thời chia sẻ những giải pháp IoT tiên tiến đã được áp dụng góp phần xây dựng thành phố thông minh và giải quyết một số bài toán lĩnh vực giao thông vận tải. Cũng trong hội nghị này, các đối tác quốc tế của Intel bao gồm: Dell, Nexcom, Super Micro, Gigabyte, Kontron, Adlink cùng đối tác trong nước như DTT, Techpro, cùng giới thiệu những sản phẩm và giải pháp IoT trong nhiều lĩnh vực cụ thể đến khách tham dự.
Ngoài ra trong hội nghị, Intel đã mời đối tác trong nước DTT, thành viên mới của Intel ISA trình bày về định hướng ứng dụng Intel IoT để phát triển Nền tảng IoT Mở của mình (OIP- Open IOT Platform), góp phần cho chặng đường Từ Chính phủ điện tử đến Quốc gia thông minh của Việt nam.
Kiến trúc IoT được đại diện cơ bản bởi 4 phần: Vạn vật (Things), Trạm kết nối (Gateways), Hạ tầng Mạng và Điện toán đám mây (Network and Cloud), và Các lớp Tạo và Cung cấp dịch vụ (Services-creation and Solutions Layers)
• Vạn vật (Things): Ngày nay có hàng tỷ vật dụng đang hiện hữu trên thị trường gia dụng và công nghệ ở trong nhà hoặc trên tay của người dùng. Chẳng hạn như xe hơi, thiết bị cảm biến, thiết bị đeo và điện thoại di động đang được kết nối trực tiếp thông qua băng tầng mạng không dây và truy cập vào Internet. Giải pháp IoT giúp các thiết bị thông minh được sàng lọc, kết nối và quản lý dữ liệu một cách cục bộ, còn các thiết bị chưa thông minh thì có thể kết nối được thông qua các Trạm kết nối.
• Trạm kết nối (Gateways): Một rào cản chính khi triển khai IoT đó là gần 85% các vật dụng đã không được thiết kế để có thể kết nối với Internet và không thể chia sẻ dữ liệu với điện toán đám mây. Để khắc phục vấn đề này, các Trạm kết nối sẽ đóng vai trò là một trung gian trực tiếp cho phép các vật dụng có sẵn này kết nối với điện toán đám mây một cách bảo mật và dễ dàng quản lý.
• Hạ tầng Mạng và Điện toán đám mây (Network and Cloud):
- Cơ sở hạ tầng kết nối: Internet là một hệ thống toàn cầu của nhiều mạng IP được kết nối với nhau và liên kết với hệ thống máy tính. Cơ sở hạ tầng mạng này bao gồm thiết bị định tuyến, trạm kết nối, thiết bị tổng hợp, thiếp bị lặp và nhiều thiết bị khác có thể kiểm soát lưu lượng dữ liệu lưu thông, và cũng được kết nối đến mạng lưới viễn thông và cáp (ví dụ như 3G, 4G, LTE) được triển khai bởi các nhà cung cấp dịch vụ.
- Trung tâm dữ liệu/ Hạ tầng điện toán đám mây: Các trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây bao gồm một hệ thống lớn các máy chủ, hệ thống lưu trữ và mạng ảo hóa được kết nối. Để hỗ trợ cho IoT, hạ tầng này sẽ chạy những ứng dụng có thể phân tích dữ liệu từ các thiết bị và cảm biến để tạo ra những thông tin thiết thực hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ ra quyết định.
• Các lớp Tạo và Cung cấp dịch vụ (Services-Creation and Solutions Layers): Intel đã kết hợp những Phần mềm quản lý API hàng đầu (Application Progmraming Interface) là Mashery* và Aepona* để giúp đưa các sản phẩm và giải pháp IoT ra thị trường một cách chóng và tận dụng được hết giá trị của việc phân tích các dữ liệu từ hệ thống và tài sản đang có sẵn.