Khu vực ASEAN cần đẩy mạnh việc phòng, chống tội phạm mạng
Bộ Công an cho biết đang cùng với các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia ASEAN và một số nước đối tác đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hướng tới việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng trong khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo ra một không gian mạng lành mạnh, an toàn, ổn định, giữ vững an ninh, hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này.
Theo Bộ Công an, năm 2020, các quốc gia ASEAN và 3 nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, xã hội.
Thông qua cơ chế đa phương, bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng đang ngày càng được các quốc gia này tăng cường hợp tác, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng trong khu vực, trong đó có sự thành công của nhiều chiến dịch liên quan đến phát hiện, xử lý lừa đảo trực tuyến, phát tán mã độc qua mạng Internet.
Ảnh: minh họa.
Đối với Việt Nam, những năm qua, Bộ Công an đã thúc đẩy hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN+3 cũng như các nước trên thế giới; tích cực phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm đánh bạc, cá độ bóng đá, lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phát triển nhanh về quy mô và mức độ phức tạp, cùng với sự thâm nhập mạnh mẽ của các thiết bị thông minh và các dữ liệu công nghệ mạng mang tính đột phá vào đời sống con người, an ninh mạng trở thành một trong những thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất, đe dọa an ninh quốc gia, kinh tế, xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Vì vậy, đảm bảo an ninh mạng là vấn đề quan trọng để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.
Đánh giá mới đây của Nhóm làm việc của ASEAN về tội phạm mạng tại Tổ hợp toàn cầu của Interpol về xu hướng tội phạm mạng trong khu vực ASEAN, đại diện cơ quan thực thi pháp luật của Singapore, Thái Lan và Trung Quốc cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại đối với tình hình an ninh mạng khi năm 2020 đã xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp hơn, đe dọa đến an ninh mạng, an toàn thông tin trên khắp thế giới.
Tại ASEAN - khu vực có tỷ lệ người sử dụng Internet cao, chiếm 75% dân số, tương đương 480 triệu người, các nước trong khu vực này đang là mục tiêu nhắm đến của các cuộc tấn công mạng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và đánh cắp dữ liệu người sử dụng, trong đó xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới trong các hoạt động tấn công mạng, triệt để khai thác lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng họp trực tuyến, phát tán mã độc.
Đáng lo ngại, trong năm 2020, lợi dụng những diễn biến phức tạp từ đại dịch COVID-19, các nhóm tin tặc đã phát tán mã độc lây nhiễm tại Ấn Độ, Nhật Bản; phát hiện 18 triệu thư điện tử giả mạo Tổ chức Y tế Thế giới, Chính phủ Anh có đính kèm mã độc.
Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, không gian mạng đã và đang trở thành môi trường lý tưởng cho hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặt ra những thách thức mới cho các lực lượng chức năng của các quốc gia.
Do vậy, hoạt động hợp tác quốc tế đang được các quốc gia ASEAN+3 ưu tiên triển khai theo hướng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó tập trung vào những vấn đề nóng nhất như phòng, chống tấn công mạng vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, xử lý các vấn đề tin giả hoặc hoạt động lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực ngân hàng tài chính, tiền ảo, tiền điện tử.
Qua hợp tác quốc tế về phòng, chống các loại tội phạm này, trình độ, năng lực của lực lượng chuyên trách về an ninh mạng của các quốc gia đã được nâng lên.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, để đảm bảo an ninh mạng trong khu vực thì các nước ASEAN phải không ngừng nỗ lực, nâng cao năng lực bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng một cách toàn diện.
Ý thức điều này, các nước ASEAN cùng các nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang tích cực chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng, hợp tác xây dựng năng lực và nâng cao khả năng ứng phó với tấn công mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới hướng tới thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế dựa trên luật lệ, các nước ASEAN+3 cần tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác quốc tế về an ninh mạng gắn hoạt động hợp tác quốc tế với yêu cầu thực tiễn để hiệu quả hợp tác đi vào chiều sâu và thiết thực hơn nữa.
Trong đó, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng, hướng tới xây dựng các quy tắc, chuẩn mực chung trong ASEAN dựa trên 11 quy tắc ứng xử tự nguyện giữa các quốc gia về an ninh thông tin của Liên hợp quốc.
Các nước ASEAN+3 tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời đấu tranh, xử lý các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia để đảm bảo an ninh trong khu vực; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng để thiết lập một cơ chế thuận lợi, hiệu quả trong ứng phó, xử lý các thách thức chung về an ninh mạng; xây dựng mối liên kết công tư trong đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng.
Các nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời đấu tranh, xử lý các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia để bảo đảm an ninh trong khu vực; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng của các nước ASEAN+3 để thiết lập một cơ chế thuận lợi, hiệu quả trong ứng phó, xử lý các thách thức chung về an ninh mạng; xây dựng mối liên kết công tư trong bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia an ninh mạng đủ năng lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh mạng, Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị.
Thùy Chi (T/h)