Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh: Hiểu và làm chủ công nghệ
Để hình thành thế hệ người học thành công trong tương lai, việc phát triển năng lực AI cho học sinh phổ thông là vấn đề mang tính chất chiến lược.
Trong đó, trước mắt, cần xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo cho các em. Muốn vậy, cần có Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông.
Nhiệm vụ cấp bách
Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chúng ta sống trong thế giới mà trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng định hình lại tư duy phát triển, chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp, nền kinh tế và cả cuộc sống hằng ngày. Tiềm năng của AI rất lớn. Vì vậy, việc đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng thiết yếu để phát triển trong bối cảnh mới là nhiệm vụ cấp bách.
Nhiều trường học tại Hà Nội bắt đầu thí điểm thực hiện mô hình giáo dục thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học. Ảnh: Sở GD&ĐT Hà Nội
Khung năng lực AI cho học sinh của UNESCO được giới thiệu tại Tuần lễ số của UNESCO vào đầu tháng 9/2024. GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận, sáng kiến này cung cấp tư liệu quý giá cho các nhà giáo dục, tổ chức, giúp chúng ta xác định năng lực thành phần cốt lõi của khung năng lực AI, đồng thời gợi mở những ý tưởng để áp dụng khung vào trường học.
Với sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, quá trình thích ứng Khung của UNESCO phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam, để đảm bảo học sinh không chỉ thành thạo các kỹ năng kỹ thuật cần thiết, mà còn đặt ra những lưu ý khi sử dụng. Qua đó, hướng đến phát triển con người, cân nhắc đạo đức cần thiết cho việc sử dụng AI có trách nhiệm. Đây không chỉ là việc dạy học sinh cách sử dụng các công cụ AI; mà còn trao quyền cho họ trở thành những nhà sáng tạo có trách nhiệm, biết cách tận dụng công nghệ vì lợi ích chung.
GS.TS Lê Anh Vinh cho hay, Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh Việt Nam được đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu về kỹ năng số đã triển khai ở Việt Nam, Chương trình GDPT 2018, chương trình giáo dục liên quan đến trí tuệ nhân tạo trên thế giới, tham vấn nhiều vòng của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia phát triển chương trình và chuyên gia công nghệ giáo dục gồm 4 phần: Tư duy lấy con người làm trung tâm; đạo đức khi sử dụng AI; nền tảng và kỹ năng sử dụng AI; thiết kế hệ thống AI.
Cô trò Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT
Tận dụng công nghệ vì lợi ích chung
Tích hợp năng lực AI vào chương trình giảng dạy, lồng ghép các kỹ năng AI vào nhiều môn học không chỉ khoa học tự nhiên, mà ngay cả trong khoa học xã hội, tạo ra môi trường học tập sáng tạo.
Ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi học sinh hiểu rõ tiềm năng và giới hạn của AI, các em sẽ trở thành những công dân có hiểu biết, có thể tham gia vào các cuộc thảo luận về tác động của công nghệ này đối với xã hội. Khi đó, chúng ta không chỉ trang bị cho học sinh những kỹ năng đúng đắn, chuẩn bị tương lai nghề nghiệp mà còn trao cho các em khả năng giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập và xã hội.
Khẳng định, không còn nghi ngờ gì về sự cần thiết Khung năng lực AI dành cho học sinh phổ thông, bà Tara O’Cornell - Trưởng Chương trình Giáo dục Tổ chức UNICEF Việt Nam trao đổi, AI không chỉ là công cụ hay công nghệ cho tương lai, mà nó đang thay đổi căn bản phương pháp dạy - học và cách sống của chúng ta. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi trong các kỹ năng mà chúng ta bồi dưỡng cho học sinh.
Theo đó, ngoài các môn học truyền thống, học sinh cần năng lực về tư duy phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề, tự chủ, hợp tác và đạo đức. Ở giai đoạn này, các em cần phát triển năng lực mới: Hiểu về AI, tương tác với nó theo cách có đạo đức, hiệu quả và có trách nhiệm.
Trưởng Chương trình Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, mục đích của Khung năng lực AI là trang bị cho học sinh kiến thức căn bản về trí tuệ nhân tạo. Khung này sẽ tập trung vào khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho nhiều học sinh khám phá AI một cách toàn diện hơn. “Tôi muốn nhấn mạnh, kiến thức về AI không phải là đặc quyền dành riêng cho một số ít người”, bà Tara O’Cornell nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phi Lê - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận thấy, những thách thức đối với giảng dạy AI tại Việt Nam, đó là sự khác biệt của AI với tin học truyền thống. Cụ thể, AI là lĩnh vực mới, thay đổi nhanh và hạ tầng tính toán yêu cầu cao. Trong giảng dạy AI, thách thức nằm ở việc thiết kế chương trình, làm sao để thật sự phù hợp và có ích cho người học. Ngoài ra, đó là xây dựng học liệu, đào tạo giáo viên và hạ tầng tính toán.
Theo báo cáo của World Economic Forum, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, khoảng 65% công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục hiện tại, đòi hỏi sự đổi mới và cải tiến. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc trang bị năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Phát triển năng lực AI không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà còn hình thành tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, điều này quyết định sự thành công của thế hệ trẻ.
Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông được xây dựng nhằm trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng AI một cách hiệu quả và có trách nhiệm. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong trường học, đào tạo giáo viên và phát triển các chương trình học phù hợp. Ngoài ra, chương trình học cần được thiết kế linh hoạt và cập nhật liên tục để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của học sinh trong thời đại số.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế số, đòi hỏi giáo dục phải điều chỉnh để thích ứng. Tích hợp kiến thức về trí tuệ nhân tạo vào chương trình giảng dạy sẽ giúp học sinh nắm vững công nghệ, từ đó phát triển kỹ năng cần thiết để tham gia vào thị trường lao động tương lai. |