Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…; Ngoài ra, Nghị quyết còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Giải pháp tổng thể, đột phát phát huy vai trò kinh tế tư nhân
Ngày 4/5 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) của Bộ Chính trị về phát triển KTTN. Nghị quyết số 68 nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, KTTN đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khu vực KTTN hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Bên cạnh đó, khu vực KTTN được đánh giá là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển của nền kinh tế quốc gia. (Ảnh: Đ.Đ)
Tuy nhiên, KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; Tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI).
Nghị quyết 68 nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do “Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; Thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. KTTN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
Do đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của KTTN, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.
Nghị quyết 68 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW; Ngoài ra, còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Giải quyết những bất cập cho kinh tế tư nhân
Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của KTTN đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 -58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á…
Nghị quyết 68 sẽ giải quyết những bất cập cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. (Ảnh minh họa)
Số liệu trên cho thấy, vai trò, vị trí của KTTN là một trong những nguồn lực kinh tế quan trọng của đất nước, vì thế, Nghị quyết 68 được ban hành được xem là “đòn bẩy” để KTTN tiếp tục khẳng định vị thế của mình và cất cánh. Trong đó, tầm nhìn đến năm 2045, KTTN Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Đưa ra quan điểm về lợi ích mà Nghị quyết 68 mang lại cho khu vực KTTN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) nhận định, qua Nghị quyết này, tất cả những bất cập bấy lâu nay của KTTN đều đã được giải quyết. Ví dụ như trước đây, dư luận vẫn thường nhận định, chính sách đang xem doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ”, doanh nghiệp FDI là “con nuôi” còn doanh nghiệp tư nhân là “con ghẻ”. Nhưng Nghị quyết này đã xóa bỏ hoàn toàn những nhận định trên. Bởi vì Nghị quyết đã khẳng định “KTTN là bình đẳng với tất cả các cái thành phần kinh tế khác” và được thể hiện ở tất cả các quan điểm, các mục tiêu và các giải pháp đối với KTTN.
Cụ thể như, Nghị quyết 68 đã xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của KTTN đối với phát triển đất nước; Nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm; tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực KTTN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân; Bảo đảm KTTN cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật...
Để Nghị quyết 68 đi vào thực thi có hiệu quả, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cũng khuyến nghị, Đảng đã đưa ra chủ trương thì Chính phủ và Quốc hội cần phải đưa ra những chế tài rất nghiêm khắc để buộc đội ngũ công chức và những người có trách nhiệm phải thực thi nghiêm và khi thực thi thì phải thực thi đúng; nếu đội ngũ công chức không thực thi nhiệm vụ sẽ bị thi hành kỷ luật. Còn nếu đã thực thi mà có rủi ro do khách quan trong quá trình thực thi, cán bộ công chức không tư lợi thì được đảm bảo không quy trách nhiệm.