Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo Trung ương (1.8.1930 - 1.8.2022)

16:16, 01/08/2022

Cách đây tròn 92 năm, vào ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên "Ngày Quốc tế đỏ 1-8." Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ "Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành."

Bồi dưỡng và phát huy sức mạnh, giá trị con người Việt Nam

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 92 năm qua (1/8/1930-1/8/2022), dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng, đất nước và nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Công tác tuyên giáo đã tích cực góp phần vào đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần mở rộng dân chủ, khẳng định sự vận dụng sáng tạo, phù hợp chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy khát vọng dân tộc, xây dựng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, làm thay đổi sâu sắc diện mạo, cơ đồ, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Công tác tuyên giáo đã có đóng góp tích cực vào thành công của các sự kiện trọng đại của đất nước trong thời gian qua như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Ngay sau Đại hội Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu Ban Bí thư Trung ương tổ chức sớm hơn các nhiệm kỳ trước Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến với hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham dự, đông nhất từ trước tới nay; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Việc tham mưu tổ chức các hội nghị trực tuyến sớm, có nhiều đổi mới, mở rộng từ Trung ương tới cấp cơ sở nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần sớm đưa nghị quyết của Đảng và cuộc sống.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Với vai trò là một trong những bộ phận cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là vũ khí sắc bén trong toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo đã góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, hoạch định hệ thống quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật của người cộng sản, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cách mạng cho đông đảo quần chúng nhân dân; tạo nên sức mạnh đoàn kết thống nhất của hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở; củng cố, bồi đắp niềm tin và mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, làm cho ý Đảng quyện với lòng dân; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân và những thành quả của cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân".

Ngành tuyên giáo cần thực hiện tốt bảo vệ nền tư tưởng của Đảng

Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm… trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất…; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa-văn nghệ, trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… tạo được sự an tâm đến với đông đảo người dân với các quyết sách của chính quyền các cấp về phòng, chống dịch.

Ngành tuyên giáo đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là ngành Y tế, kịp thời định hướng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh.

Điển hình là công tác phối hợp, phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, tổ kiểm soát ở thôn, bản, tổ dân phố trong tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống tuyên giáo cơ sở đã chủ động xây dựng các loại tài liệu, video clip, inforgraphic...; tận dụng hệ thống loa phát thanh của các phường, xã, trường học để thực hiện công tác tuyên truyền..., qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, là cơ sở quan trọng để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Tạo động lực tinh thần mới

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Để hoàn thành những trọng trách được giao, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu "mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, khả năng tư duy, phương pháp giải quyết các vấn đề tư tưởng. Đồng thời phải say mê với công việc của mình", "say mê mới cảm hóa được người khác, nâng cao khả năng thuyết phục và chỉ với trí tuệ, hiểu biết, phương pháp tốt thì chúng ta mới nâng cao được tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục một cách hiệu quả".

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác tuyên giáo phải tập trung làm rõ, truyền tải những vấn đề về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Chuẩn mực cơ bản của giá trị con người Việt Nam là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, hài hòa với hệ giá trị gia đình Việt Nam là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, từ đó bồi đắp thêm là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Các hệ giá trị phải trên nền tảng giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc...

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất trong nhận thức, trong hành động và trước hết là trong tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Quan điểm lãnh đạo của Đảng đã rất rõ ràng, đầy đủ, vấn đề là phải thực hiện thông suốt tới tận cơ sở, từng đảng viên và lan tỏa trong nhân dân. Chúng ta đã xác định được các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, tạo thành thế trận toàn dân," ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói và nhấn mạnh “trong năm 2022 phải tạo chuyển biến về văn hóa, ứng xử, thông tin trên không gian mạng."

Với phương châm "Tuyên giáo đi trước, đi cùng", "hướng mạnh về cơ sở", "toàn Ðảng làm công tác tư tưởng", 92 năm qua, ngành tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong Ðảng và sự đồng thuận trong xã hội; tạo nên động lực tinh thần mới, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội. Qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng từng bước được củng cố, nâng cao; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

PV (T/h)