Làm gì để không bị quấy rầy điện thoại?

00:00, 17/10/2010

Nếu nạn nhân bị khủng bố tới số máy điện thoại cố định, thì để ngăn chặn cần phải báo với nhà cung cấp dịch vụ, truy tìm số máy hay quấy rối theo từng khung giờ mà khổ chủ bị quấy rối, nhưng việc đó cũng khác nào mò kim đáy bể bởi đa phần các cuộc khủng bố đều là sim khuyến mại dùng một lần rồi bỏ, hơn nữa, “truy án” cũng không dễ dàng khi mà sim được đăng ký bởi các đại lý thứ cấp, người mua không cần để lại thông tin cá nhân.
 
Còn đối với các thuê bao là điện thoại di động bị quấy rầy, trước hết có thể báo cho đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại để họ có biện pháp xử lý. Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ vì lý do gì đó không ngăn chặn, không răn đe, nhắc nhở, cảnh cáo thuê bao quấy rối và tình trạng  đó diễn biến trong thời gian dài, có hệ thống thì chủ thuê bao bị quấy rối có thể gửi đơn thẳng đến thanh tra Bộ Thông tin truyền thông kiến nghị xử lý. Đơn thư này thuộc diện khiếu nại, tố cáo nên cần ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số máy của mình và sẽ được giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo.
 
Hãy biết tự bảo vệ!
 
Hiện nay nhiều nhà mạng đã cung cấp dịch vụ chặn cuộc gọi.
 
Chẳng hạn như mạng VinaPhone, ngay cả khi điện thoại không hiện số gọi đến thì người dùng vẫn có thể chặn được. Tuy nhiên, người dùng cần phải xác định xem số điện thoại ẩn danh đó là gì bằng cách tắt máy hoặc nhờ tới sự can thiệp của nhà mạng.

Khi kẻ xấu gọi điện tới mà không hiện số máy, người dùng nên tắt nguồn điện thoại đi. Sau khi bật điện thoại lên, máy sẽ nhận được thông báo cuộc gọi nhỡ và số khủng bố kia sẽ hiện nguyên hình. Tuy nhiên, thuê bao VinaPhone cần phải cài đặt dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ để có thể xác định số điện thoại không hiển thị. Có thể đăng ký dịch vụ này bằng cách soạn tin theo cú pháp:
MCA ON gửi 333.

Khi xác định được kẻ giấu mặt, thuê bao VinaPhone chỉ cần đăng ký dịch vụ chặn cuộc gọi đến để chặn các cuộc gọi từ số thuê bao không mong muốn. Mỗi tháng sử dụng dịch vụ này, người dùng sẽ mất phí 10.000 đồng/tháng cho tối đa 5 số điện thoại cần chặn và thêm 500 đồng cho 5 số tiếp theo. Tuy nhiên, VinaPhone chỉ cho phép người dùng có thể đăng ký chặn tối đa 10 số điện thoại. Để đăng ký sử dụng dịch vụ chặn cuộc gọi, người dùng nhắn 2 tin theo cú pháp: CM on gửi 9336; CHAN số điện thoại muốn chặn gửi 9336.

Với các thuê bao Viettel, nếu bị nạn thì việc ngăn chặn rắc rối hơn một chút. Đó là, cần phải có ít nhất 3 cuộc gọi kết nối với số điện thoại khủng bố đó. Sau đó, gọi lên tổng đài phản ánh tình trạng trên và bộ phận khiếu nại quấy rối sẽ cung cấp số điện thoại không hiển thị đó.

Dịch vụ chặn cuộc gọi của Viettel cho phép thuê bao chặn tối đa 50 số. Tuy nhiên, với mức phí 5.000 đồng/tháng, người dùng chỉ có thể chặn được tối đa 5 số. Để thực hiện chặn cuộc gọi, thuê bao cần soạn tin nhắn theo cú pháp: DK gửi 909. Còn chặn cuộc gọi và tin nhắn thì soạn tin DK CS gửi 909. Sau đó muốn chặn số điện thoại nào thì soạn tiếp tin THEM số điện thoại cần chặn gửi 909.

Ngoài ra, đối với những dòng máy ĐTDĐ nhất định, có thể dùng phần mềm để can thiệp bằng cách tạo Black list để ngăn chặn cuộc gọi hay tin nhắn quấy rầy.

Gia Linh (tổng hợp)