Làm quen với một CFO của tương lai
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, cũng như trên toàn thế giới nói chung, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với một tương lai khá bấp bênh.
Những sự kiện kinh tế vĩ mô, như việc Mỹ ly khai khỏi Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và tốc độ tăng trưởng GDP chậm dần của Trung Quốc, đang làm cho việc lên kế hoạch trước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Hơn thế nữa, tương lai bấp bênh này đang ngày càng trở nên trầm trọng bởi sự chen chân của công nghệ số. Những người mới đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực, tiến hành áp dụng các mô hình kinh số tiên phong và chiếm lấy thị phần từ những người đương nhiệm.
Khoảng 83% giám đốc điều hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang coi các công ty khởi nghiệp trong ngành kỹ thuật số là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Khi các doanh nghiệp đang cố gắng định hướng con đường dẫn tới thành công trong thời kỳ hỗn loạn này, họ dần quay sang tìm sự trợ giúp và hướng dẫn từ một đối tượng ít được ngờ đến – CFO (chief financial officer - giám đốc Tài chính) của công ty.
Thông thường, CFO vốn chỉ đóng vai trò chủ yếu là trong các hoạt động kế toán của doanh nghiệp; thì giờ đây, nhiệm vụ của họ đang dần thay đổi ngoài sức tưởng tượng. Ngoài các hoạt động truyền thống về quản lý ngân sách và tổng hợp báo cáo, các CFO ngày nay được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chiến lược cho sự phát triển và đổi mới kinh doanh; góp phần kích hoạt chuyển đổi kỹ thuật số và trích xuất giá trị tối đa từ các hoạt động cho doanh nghiệp. Đây chính là khái niệm CFO của tương lai.
Một CFO của tương lai sẽ không còn chỉ tham gia vào công việc quản lý tài chính và báo cáo. Thay vào đó, vai trò của họ là đảm bảo rằng các khía cạnh tài chính, chức năng và vận hành của doanh nghiệp được kết hợp để chứng minh được giá trị và hiệu quả tối ưu cho các cổ đông. Sự thay đổi này đang được thực hiện khá tốt. Nghiên cứu gần đây của Oracle về các nhà lãnh đạo tài chính cho thấy 52% các CFO nói rằng vai trò hiện nay của họ chủ yếu là tư vấn cho doanh nghiệp cách để đẩy mạnh tăng trưởng.
Khi trách nhiệm của CFO được gia tăng, chúng ta sẽ thấy họ đảm nhận cương vị của mình như một “con người mới”. CFO của tương lai chính là thế hệ trẻ của ngày hôm nay – bạo dạn hơn trong cách tiếp cận và tập trung kỹ lưỡng hơn vào việc tìm ra những cách thức đổi mới để thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên phía trước. Quan trọng là, giới trẻ hiện nay cũng đang đặt nhiều niềm tin hơn vào công nghệ; họ coi đó là một nhân tố quan trọng của một tương lai khi mà khối lượng lớn thông tin tràn vào doanh nghiệp buộc các CFO phải dựa vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thích ứng để phân tích và chuyển hoá dự liệu thành những hiểu biết hữu ích cho doanh nghiệp.
Nhưng công nghệ không phải là tất cả. Thế hệ trẻ mang đến một cách tiếp cận mới khi làm việc; một “thái độ” mới của những người trẻ mà từ đó sẽ định hình quan điểm của những CFO của tương lai. Phá bỏ những phương thức truyền thống, giới trẻ không chỉ còn tập trung vào những công việc mang tính chuyên môn. Họ muốn trở thành những “người đa năng”; có sự hiểu biết bao quát hơn về công ty; xác định vai trò của họ kết nối thế nào đối với người khác và làm thế nào để họ có thể làm việc cùng nhau để cải thiện kết quả.
Một cuộc khảo sát của Intelligence Group cho thấy nhiều hơn 4/5 người trẻ tuổi thích một môi trường làm việc mang tính cộng tác hơn là cạnh tranh – đó chính là một lối suy nghĩ lý tưởng cho một CFO, những người đang được kỳ vọng sẽ có thể có một cái nhìn tổng quát hơn và cho phép tăng cường hợp tác trong tất cả các hoạt động kinh doanh.
Và chắc chắn, một khi đã nhìn mọi việc ở một bức tranh lớn hơn, tầm quan trọng của dữ liệu không thể bị đánh giá thấp. Một CFO của tương lai sẽ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có được những hiểu biết sâu sắc và kết nối các đơn vị kinh doanh với nhau.
Ngoài các dữ liệu nội bộ được khai thác thông qua ERP, EPM và các ứng dụng khác, một CFO của tương lai sẽ dựa vào dữ liệu từ Mạng lưới vạn vật kết nối (IoT). Kết quả là, họ sẽ hiểu được công việc kinh doanh tốt hơn bao giờ hết. Ví dụ, các cảm biến thời tiết sẽ cảnh báo họ trước một ngày rằng một cơn bão có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng; các dữ liệu từ Fitbit sẽ cho họ biết khi nào lực lượng lao động đang gặp khủng hoảng; và cảm biến nhiệt độ môi trường xung quanh sẽ cho họ biết khi nào nhà máy đang gặp nguy hiểm do nhiệt độ quá cao. Những dữ liệu bên ngoài này sẽ giúp các giám đốc tài chính thực hiện các dự đoán và đưa ra khuyến nghị cho toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ đó tăng đáng kể giá trị cho CEO và ban giám đốc.
Để lưu trữ, sử dụng và phân tích một lượng lớn dữ liệu, các CFO tương lai sẽ tự nhiên tìm tới điện toán đám mây. Các ứng dụng nền tảng đám mây như ERP, EPM, SCM có vai trò như những “cơ bắp” của một cách tiếp cận mang tính công nghệ và định hướng dữ liệu cho sự biến đổi của doanh nghiệp, cung cấp cho các CFO những công vụ để tối ưu hoá năng suất kinh doanh, hợp tác và phân bổ tài nguyên một cách hiệu quả. Trong khi đó, các ứng dụng IoT trong đám mây có thể cung cấp cho những CFO một trường giác quan hoàn toàn mới – cho phép họ “nhìn”, “nghe” và “ngửi” được những gì đang xảy ra ngoài bức tường doanh nghiệp, cũng như cung cấp thông tin thời gian thực nhằm đảm bảo tính nhanh nhạy trong việc giám sát. Những phần mềm thích ứng đám mây chính là những bộ não mới của doanh nghiệp, sử dụng máy móc để phân tích một khối lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng.
Không thể phủ nhận rằng sự lấn sân của công nghệ kỹ thuật số cùng với kinh tế bất ổn đang tạo nên không ít thách thức cho các Giám đốc Tài chính và doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thành công luôn đòi hỏi sự mạo hiểm. Thế hệ Giám đốc Tài chính tiếp theo – những người trẻ tuổi cũng như những nhà tư tưởng tương lai ở mọi lứa tuổi với kiến thức vững chắc về công nghệ kỹ thuật số - sẽ là những nhân tố chủ chốt trong mỗi doanh nghiệp. Bằng việc kết hợp lượng dữ liệu lớn với trí thông minh thích ứng và công nghệ đám mây dành cho doanh nghiệp, những Giám đốc Tài chính tương lai sẽ có thể phá vỡ cấu trúc tổ chức theo chức năng để điều hành doanh nghiệp một cách linh hoạt và thống nhất hơn bao giờ hết. Họ sẽ có khả năng tìm kiếm và khai thác những cơ hội thị trường mới một cách chủ động và tức thời.
Mahadevan Natarajan (Giám đốc Cấp cao, mảng Kinh doanh Quản lý Hiệu suất Doanh nghiệp, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Oracle)