Lần đầu tiên cổ vật Triều Nguyễn được định danh và triển lãm trên không gian số

10:40, 17/05/2024

Ngày 10/05, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế công bố đã Định danh số với 10 cổ vật Triều Nguyễn, đồng thời ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro qua hợp tác, ứng dụng công nghệ của Phygital Labs, mở ra hành trình ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản đang được lưu giữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam.

Ứng dụng tiến bộ công nghệ vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ để định danh số 10 cổ vật Triều Nguyễn thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Theo đó, các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Từ đây, khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.

Hình ảnh cổ vật đã được định danh tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Khác với mã QR đang được sử dụng để lưu trữ thông tin, chip NFC Nomion gắn trên cổ vật có khả năng mã hoá dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, đảm bảo sự độc bản và liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý và phiên bản số. Song song đó, bằng công nghệ blockchain, phiên bản số của cổ vật mang giá trị chứng thực sở hữu cũng như tạo ra tài sản số từ tài sản thật là cổ vật.

Những cổ vật đã được lựa chọn để định danh là các cổ vật tiêu biểu, đặc trưng của vua quan nhà Nguyễn như: ngai, kiệu, hia (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi), cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất), hay bộ xăm hường (thú tiêu khiển)…

“Công nghệ của Phygital Labs là cầu nối đưa các cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với thế giới số, hỗ trợ trong công tác số hoá, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hoá Huế nói chung”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chia sẻ.

Với mục tiêu quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra toàn cầu và khai thác tiềm năng kinh tế số từ di sản, Phygital Labs đã xây dựng không gian triển lãm văn hóa số đầu tiên trên metaverse tại: https://museehue.vn. Đáng chú ý, không gian số này đã tích hợp Apple Vision Pro, đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng (XR - Extended Reality) tiên phong bởi Apple và Meta.

Trải nghiệm không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro

Theo đó, những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số để người dùng tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm. Không chỉ chiêm ngưỡng cổ vật sinh động trên nền Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, khách tham quan số trên toàn cầu còn có thể tương tác, bày tỏ cảm xúc và trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử văn hóa chân thực.

Từ đây, tầm nhìn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phygital Labs sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng Metaverse, quảng bá Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest trên thế giới.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc biên soạn nội dung như quét/ chụp hình ảnh các cổ vật, hướng đến bảo tàng số theo từng chuyên đề, từng thời điểm, giúp du khách toàn cầu có thể ngắm nhìn, tìm hiểu thông tin với bố cục, màu sắc, âm thanh sống động tương tự như đang tham quan một bảo tàng hay triển lãm thực tế.

“Từ trải nghiệm đa giác quan (Immersive Experience) trên triển lãm số, chúng ta có thêm cơ hội bán vé tham quan, tăng nguồn thu từ tệp khách hàng số vốn đang rất thiếu những nội dung văn hoá lịch sử thu hút. Ngoài ra, đơn vị sở hữu còn có thể cho bán các sản phẩm cổ vật replica (phiên bản) được chứng thực cho các khách hàng số có nhu cầu. Từ đó, ngoài việc lan tỏa câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn cầu, chúng tôi mong muốn góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa vốn rất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng giá trị, kiến tạo nên mô hình kinh tế số hoàn toàn mới”, ông Nam Đỗ, Giám đốc Công nghệ Phygital Labs chia sẻ.

Về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được chính thức thành lập vào ngày 10/6/1982 với tên gọi lúc đầu là Công ty Quản lý Lịch sử Văn hóa Huế (1982-1992) sau mới đổi tên thành như hiện nay. Với những chức năng gồm: quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993), giá trị Nhã nhạc cung đình Huế - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại năm 2003), giá trị Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương), Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng - Cửu Đỉnh (được Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2024) và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích.

Về Phygital Labs:

Phygital Labs là startup công nghệ do hai founder người Việt là Huy Nguyễn và Nam Đỗ sáng lập với mục tiêu tiên phong ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới như blockchain, AI vào nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Giải pháp công nghệ lõi Nomion - Định danh số của công ty đã được ứng dụng trong nhiều ngành nghề từ thời trang, nông nghiệp đến bảo tồn văn hóa. Tầm nhìn của Phygital Labs là đưa những sản phẩm đã được định danh số lên không gian triển lãm số và chợ số nhằm tiếp cận người dùng toàn cầu, khai thác hiệu quả các giá trị quảng bá và kinh tế số.

Thông tin báo chí vui lòng liên hệ:

(Mr) Võ Quang Huy - Phó Chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Email: huyvq.vn@gmail.com

SĐT: 0905 880 722

(Ms) Lê Thị Thu Vân – Trưởng phòng Truyền thông, Phygital Labs

Email: vanle@nomion.io

SĐT: 0903 86 70 71

PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)