Lệnh cấm với WeChat của Ông Trump ra sẽ khiến giới công nghệ toàn cầu chao đảo?

Minh Anh 20:47, 16/08/2020

Sắc lệnh cấm giao dịch với ứng dụng WeChat mới đây của Mỹ đang được đánh giá là yếu tố có thể dẫn đến nhiều bất ổn trên thị trường công nghệ quôc tế.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm giao dịch với ứng dụng TikTok nếu không thể tìm được đối tác mua lại vào tháng tới, đã được nói đến quá nhiều, khi TikTok là một trong những ứng dụng mạng xã hội đang nổi hàng đầu hiện nay.

Nhưng một sắc lệnh tương tự, nhằm vào ứng dụng đồng hương của TikTok mới đang được xem là có thể gây chao đảo ngành công nghệ quốc tế, đó là WeChat - một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới.

Cổ phiếu Tencent, công ty mẹ của WeChat đã liên tục đi xuống, thổi bay 66 tỷ USD vốn hóa chỉ trong vòng 2 ngày sau lệnh cấm. Không chỉ là một trong những tên tuổi công nghệ hàng đầu, mà tập đoàn của Trung Quốc này còn đang "vươn vòi bạch tuộc" ra toàn hệ sinh thái công nghệ & khởi nghiệp toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.

Hệ sinh thái công nghệ của "Softbank Trung Quốc" trước nhiều sức ép

Xét về doanh thu, Tencent hiện là công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Với vị thế của mình, hãng đã "chống lưng" cho nhiều cái tên trong mảng trò chơi và giải trí Mỹ, như Epic Games, Glu hay Universal Music.

Đi xa hơn nữa, những năm gần đây, Tencent còn đổ hàng tỷ USD vào những cái tên như Snap và Tesla. Một số startup đình đám khác nằm trong danh mục của hãng bao gồm Reddit, Lyft và Zoox - hãng xe tự lái vừa được Amazon tuyên bố thâu tóm.

Ông Trump ra lệnh cấm với WeChat, giới công nghệ toàn cầu chao đảo? - Ảnh 1.

Tesla là một trong những tên tuổi công nghệ Trung Quốc nhận đầu tư từ Tencent (Nguồn: CNN)

Những thương vụ này giúp Tencent được mệnh danh là "Softbank của Trung Quốc". Theo một báo cáo mới đây, Tencent thậm chí đã vượt qua chính Softbank, và chỉ còn xếp sau quỹ Sequoia về số thương vụ đầu tư vào các "kỳ lân" - công ty được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Riêng trong năm nay, Tencent có 55 thương vụ đầu tư trên toàn cầu, so với chỉ 37 của Softbank.

Trả lời CNN, giáo sư Arun Sundararajan từ Trường Kinh doanh NYU Stern (Mỹ) nhận định: "Tencent có lẽ là nhà đầu tư quyền lực nhất tại Trung Quốc hiện nay". Và bằng việc nhắm vào một thương hiệu của hãng, chính quyền Mỹ có thể "giáng một đòn mạnh vào tham vọng toàn cầu của công ty này". Điều này còn có thể chặn đứng mong muốn hợp tác của Tencent và các công ty liên quanh với doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.

Alibaba - Đối tượng bị nhắm tới tiếp theo?

Không chỉ Tencent, mà theo CNN, đối thủ hàng đầu của họ tại Trung Quốc là Alibaba cũng nên dè chừng, bởi đây có thể là cái tên tiếp theo bị giới chức Mỹ "để ý".

Khác với ByteDance hay Huawei, thì Alibaba hiện vẫn chưa mấy thành công trong việc thâm nhập thị trường Mỹ. Nhưng việc là tên tuổi công nghệ hàng đầu Trung Quốc cũng đã đủ để công ty này rơi vào tầm ngắm, theo nhận định của Alex Capri, chuyên gia nghiên cứu tại quỹ Hinrich Foundation, kiêm giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore.

Cho đến giờ, Alibaba chưa gặp phải đe dọa trừng phạt nào từ tổng thống Trump như những tên tuổi đồng hương. Ông Trump còn từng gọi Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba là "một người bạn của tôi", khi vị tỷ phú Trung Quốc tuyên bố quyên góp các trang thiết bị cho việc chống đại dịch COVID-19.

Ông Trump ra lệnh cấm với WeChat, giới công nghệ toàn cầu chao đảo? - Ảnh 2.

Alibaba chưa phải đối mặt với các đe dọa trừng phạt từ tổng thống Donald Trump (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã "điểm mặt" Alibaba cùng với Tencent, trong nỗ lực hối thúc các công ty Mỹ loại bỏ những công nghệ "kém tin cậy" của Trung Quốc khỏi mạng lưới công nghệ của mình.

Dù Alibaba không có nhiều doanh thu từ Mỹ, thì đây vẫn là thị trường quan trọng đối với hãng. Năm ngoái, Alibaba lần đầu tiên ra phiên bản tiếng Anh cho sàn thương mại điện tử Tmall, và mở cửa cho doanh nghiệp nhỏ của Mỹ tiếp cận nền tảng của mình. Một số ông lớn Mỹ đang bán trên Tmall gồm Apple, Nike và Johnson & Johnson. Hãng cũng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn New York, sau vụ IPO kỷ lục 25 tỷ USD hồi năm 2014.

Sức lan tỏa của lệnh cấm WeChat có thể đi đến đâu?

Tencent đã đưa ra trấn an rằng, lệnh cấm chỉ tập trung vào WeChat chứ không ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh khác tại Mỹ. Và trong mọi trường hợp, mảng thương mại điện tử của Alibaba trên sân nhà Trung Quốc rất khó bị ảnh hưởng.

Nhưng những ngôn ngữ mơ hồ trong các lệnh cấm TikTok và WeChat có thể hàm chứa rằng, Washington đang chuẩn bị "quăng mẻ lưới" lớn hơn. Chẳng hạn theo ông Dan Wang, chuyên gia của Gavekal Dragonomics, lệnh cấm có thể ngăn Tencent tiếp cận với các công nghệ Mỹ, từ đó không có phần mềm hay linh kiện bán dẫn cần thiết đối với WeChat. Đó cũng là mối lo ngại mà Alibaba nên lưu tâm.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Mỹ cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng nếu chính quyền Mỹ mạnh tay với giới công nghệ Trung Quốc. Chẳng hạn, iPhone có thể để "mất lòng" người dùng Trung Quốc, nếu Washington buộc Apple gỡ các ứng dụng của ByteDance, Alibaba hay Tencent khỏi App Store tại Trung Quốc.

Ông Trump ra lệnh cấm với WeChat, giới công nghệ toàn cầu chao đảo? - Ảnh 3.

Apple có thể chịu khó khăn đáng kể tại Trung Quốc nếu phải gỡ bỏ WeChat (Nguồn: Reuters)

Giáo sư Alex Capri đưa ra một nhìn nhận rộng hơn: "Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính căn bản và lịch sử và việc tăng cường các cáo buộc với giới công nghệ Trung Quốc 'hàm ý mục tiêu chia tách ngành công nghệ toàn cầu' của chính quyền Mỹ".

Peter Petri, giáo sư Trường Kinh doanh Quốc tế, Đại học Brandeis cũng có quan điểm tương tự: "Bằng việc nhắm vào các hãng công nghệ Trung Quốc muốn vươn ra toàn cầu, nước Mỹ đang thể hiện rằng, thị trường Internet không mang tính toàn cầu. Đó có thể là sự khởi đầu một ‘bức tường lửa công nghệ’ của chính nước Mỹ".

Minh Anh (T/h)