“Lòng vòng” tranh cãi trách nhiệm của VietinBank
Vụ án xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm là vụ lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay trong ngành ngân hàng đã tới hồi tranh tụng gay cấn. Quan điểm, cách đặt vấn đề của Viện kiểm sát Nhân dân (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đối nghịch hẳn với ý kiến bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, là nguyên đơn dân sự trong phiên xử ngày 20 và 21/1.
VKS: Bác kiến nghị của các luật sư, khảng định Huyền Như không tham ô
Đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư trong ngày 20/1, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, Huyền Như không phạm tội tham ô và các giao dịch của bị hại đều bên ngoài Vietinbank. Và VKS đã bác toàn bộ kiến nghị của các luật sư, yêu cầu VietinBank trả tiền cho 15 nguyên đơn dân sự, bị hại của vụ án.
Bị cáo Huỳnh NHư trước vành móng ngựa.
Vị đại diện VKS cho rằng, trong vụ án này, một số bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong các tổ chức tín dụng. Đây là một trong những loại tội phạm xảy ra trong lĩnh vực được xem làm xương sống của nền kinh tế quốc gia. Vị này lập luận, các bị cáo đã không tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, bỏ qua các bước quan trọng trong việc lập hồ sơ cho vay, như: Không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh, không có chữ ký của người cho vay, người bảo lãnh… nhưng vẫn tiến hành. Nếu các bị cáo làm đúng thủ tục, quy trình, quy định thì đã không gây ra hậu quả như cáo trạng quy kết.
Các luật sư phía bị hại: Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Vietinbank
Ở góc độ khác, trước tòa ngày 17/1, đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã trưng ra bằng chứng chứng minh rằng tài khoản mà các nhân viên của ACB gửi đã vào hệ thống của VietinBank chứ không phải nằm ngoài hệ thống như VietinBank đã trả lời.
Cụ thể, trong 19 người được ACB ủy thác gửi tiền tại VietinBank, ông Phạm Công Hoàng có nhận được thông báo số dư tài khoản (thông báo số dư đến hết ngày 31/12/2013) từ VietinBank chi nhánh TP.HCM. Và bản thông báo này được xem là bằng chứng mới, chứng tỏ tiền gửi của ACB đã vào hệ thống của VietinBank.
Và trong phần bào chữa bảo vệ quyền lợi cho ACB ngày 20/1, luật sư Lưu Văn Tám cho biết, ông và các luật sư bào chữa cho các bị hại trông mong ở phần đối đáp của VKS sau khi ACB trưng ra bằng chứng mới. “Việc chúng tôi đưa ra bằng chứng mới và đề nghị VKS đối đáp lại với nội dung này nhằm mục đích sáng tỏ hơn vấn đề trách nhiệm của VietinBank khi VietinBank khẳng định những khoản tiền này vẫn chưa vào đến hệ thống của VietinBank thì đã bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được đối đáp của VKS” – Lời của luật sư Tám.
Chính bởi vấn đề của VietinBank đã không được đối đáp nên nhiều tình tiết không được làm rõ. Tuy luật sư Tám và bốn luật sư khác là Trần Đức Hùng, Trần Anh Thi, Trương Thanh Đức, Phạm Danh Tín đã cùng ký đơn đề nghị HĐXX cho được tiếp tục thẩm vấn để làm rõ thêm một số nội dung (là tình tiết mới) nhưng không được HĐXX chấp thuận.
Lại thêm tình tiết mới: VietinBank thay đổi nội dung trang Web
Trong phiên xử hôm nay, 21/1, ngoài phần tranh luận về những quan điểm của VKS mà ông cho là sai, luật sư Trương Thanh Đức còn đưa ra một bằng chứng mới, cho thấy, Vietinbank vừa thay đổi nội dung trên giao diện Web của ngân hàng này.
Theo đó, ngày 16/1, trong khi tranh luận vấn đề ai là người quản lý tài khoản, luật sư Đức đã đưa ra bằng chứng cho thấy, ngay trên trang Web của Vietinbank tại mục doanh nghiệp, điểm đầu tiên trong số 10 lợi ích của dịch vụ tài khoản là: “Tiền của quý khách được Vietinbank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”, chứng tỏ ngay trong chủ trương của Vietinbank đã khẳng định ngân hàng này đang quản lý số dư, quản lý tài khoản của khách hàng.
Nội dung trước khi thay đổi.
Nhưng vừa mới đây, cũng ở nội dung này, VietinBank đã cắt bỏ các từ “quản lý”, “chính xác” và thay cụm từ “tiền của quý khách” thành “tiền của doanh nghiệp”; Nên toàn bộ điểm này đã được sửa đổi thành: “Tiền của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật” sau phiên tranh tụng ngày 16/1. Trưng bằng chứng này ra trước tòa, luật sư Đức cho rằng, nếu ông không chụp màn hình trước và sau khi thay đổi thì Vietinbank có thể sẽ cho rằng ông đã vu khống.
Và sau khi thay đổi.
Phát biểu về phát hiện này, luật sư Đức cho biết, "Tôi không hiểu vì lý do gì mà Vietinbank thay đổi nội dung trên Web như vậy".
Và chúng ta vẫn phải chờ xem, cuối cùng tòa kết luận ra sao?!
Thanh Trà