“Siêu lừa” Huyền Như: Bất chấp để có tiền

10:14, 10/01/2014

Vụ xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chính thức bắt đầu ngày 6/1/2014 và dự kiến kéo dài 20 ngày, tới 25/1/2014. Tuy mới bước sang ngày thứ 5, nhưng nhiều thông tin đã “hé lộ”, buộc ta phải suy ngẫm: Lòng người, tình người, dù là người thân hay ruột thịt, giờ đây “chẳng là gì” so với tiền, quyền…

Theo TAND TP.HCM, đã có 50 luật sư làm thủ tục tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Với 23 bị cáo, 15 nguyên đơn dân sự là các tổ chức, cá nhân bị hại và 80 tổ chức, cá nhân trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được tòa triệu tập. Nếu so với nhiều vụ án lớn khác (từng xử), số người liên quan không phải quá lớn, nhưng với gần 4000 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân đã bị Như lừa, nó là một “cú sốc” cực lớn đối với toàn xã hội, làm cho vụ án trở thành “đại án”, được rất nhiều người quan tâm, theo dõi.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị dẫn giải trong khuôn viên Tòa.

Tại tòa, Huyền Như đã thừa nhận, còn chiếm đoạt của các đơn vị, cá nhân hơn 3.900 tỷ đồng. Nhưng những tài sản còn lại của bị cáo đều đã bị kê biên, có tổng trị giá mới hơn 200 tỷ đồng, rất nhỏ so với số tiền kia.

Chị ruột cũng chẳng từ

Với học vấn hết lớp 9 và làm nghề bán hột vịt lộn, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị ruột của Huỳnh Thị Huyền Như) khai đã được em gái đưa về Công ty Hoàng Khải làm nhân viên, rổi đưa lên làm Phó giám đốc. Trả lời HĐXX, Hạnh khẳng định, lúc Như bảo về làm cùng thì Hạnh không nghĩ gì vì nghe Như ngon ngọt: “Chị đi bán hột vịt lộn thu nhập không ổn định nên về làm với em”. Khi đưa Hạnh lên làm Phó giám đốc Công ty Hoàng Khải, Như bảo: “Chị cứ làm giúp em đi, chị là chị ruột của em, em không hại chị đâu”. Bởi thế, khi Như nói Hạnh đi ký hợp đồng vay tiền của VIB, Hạnh đã không ngần ngại gì mà làm ngay.

Cho rằng mình là chị em ruột với Như nhưng không ngờ Huyền Như lại lừa cả mình. “Bị cáo rất tin tưởng Như, vì là chị em ruột, nhưng không ngờ Như lại đẩy bị cáo vào con đường phạm tội” - bị cáo Hạnh khóc và nói.

"Hào quang" đại gia, sự sỹ diện và bất chấp để có tiền

Huyền Như tự thú nhận, vì ham giàu, vì tiền mới đứng ra vay mượn để kinh doanh. Là người làm việc trong một ngân hàng lớn, vì sỹ diện nên khi bị đòi nợ, Như không muốn bị tai tiếng, không muốn các chủ nợ đến cơ quan quậy hay làm khó gia đình nên đã chấp nhận vay tiền của chính những kẻ cho vay nặng lãi để trả nợ cho những kẻ cho vay nặng lãi khác.

Khi không vay được, Như còn lừa người, giả mạo giấy tờ và không từ thủ đoạn nào, miễn là vay được tiền và có tiền.

Với thái độ thành khẩn, Như đã giãi bày trước tòa: "Bị cáo không hề đưa ra mức 3% đến 5%/ngày, nhưng khi chủ nợ đòi tiền, bị cáo không có để trả họ, buộc phải chịu lãi 3% đến 5%/ngày. Lúc đó, bị cáo đang làm việc tại ngân hàng, không muốn tai tiếng, không muốn ảnh hưởng đến gia đình, cũng không muốn tiếp tục dính líu nợ nần nhưng chị Lý nói nếu không trả nợ thì sẽ cho người đập vỡ mặt, bị cáo rất sợ".

Và như con thiêu thân, sau đó Như lao vào con đường lừa đảo, hết nơi này đến nơi khác, người này đến người khác. Khoản tiền chiếm đoạt (vay) sau đem trả cho khoản tiền chiếm đoạt trước... Như hy vọng vào bất động sản và chứng khoán sẽ có lãi để trả nợ, nhưng không ngờ… và "bị cáo càng ngày càng phạm pháp".

Các bị cáo tại Tòa trong ngày 8/1.

Và “vì sếp” trái quy trình cũng làm

Sáng 8-1, trước tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ VietinBank tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ đã khai nhận hành vi vi phạm.

Tống Nguyên Dũng - nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và đề xuất cho vay - có liên quan đến việc mở tài khoản cho 2 khách hàng là Nguyễn Thị Bé Năm và Nguyễn Thị Nguyệt. Theo quy trình cho vay của ngân hàng, nhân viên tín dụng phải tiếp xúc với khách hàng và thẩm định hồ sơ trước khi cho vay, nhưng khi được hỏi về việc lập các chứng từ hồ sơ liên quan số tiền hơn 274 tỷ đồng, Dũng cho biết, bị cáo đã không tiếp xúc với khách hàng. Dũng nại lý do, “Chị Như là trưởng phòng của bị cáo, và nói là đã tiếp xúc với khách hàng rồi, đây là khách hàng quan trọng của phòng để chị trực tiếp tiếp xúc, do đó bị cáo chỉ nhận hồ sơ từ chị Như, và dựa trên hồ sơ, thông tin, đặc biệt là tài sản đảm bảo của khách hàng do chị Như cung cấp đủ điều kiện cho vay vốn nên bị cáo đề xuất cho vay.” Bị cáo khẳng định, khi tiếp nhận hồ sơ, bị cáo không tiếp xúc khách hàng, nhưng tin tưởng và thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên (Huyền Như).

Thậm chí, khi tiếp nhận hồ sơ của khách hàng, đối chiếu với CMND, sau khi làm thủ tục đề xuất và giải ngân, bị cáo đưa lại hồ sơ cho bị cáo Như, sau đó mới bổ sung chữ ký của khách. “Chị Như đưa sổ tiết kiệm của khách hàng cho bị cáo, chị Như nói giải quyết gấp cho khách hàng vì khách hàng có nhu cầu gấp, sổ tiết kiệm là tài khoản rất an toàn, nên nếu không đáp ứng nhu cầu gấp của khách hàng, khách hàng có thể rút tiền. Để đảm bảo hoạt động của phòng giao dịch, chị Như đề nghị bị cáo giải quyết cho khách hàng gấp.” - bị cáo Dũng khai thêm. Và Dũng cho rằng, “Bị cáo thấy thực sự là bị oan trong vụ án này, tin tưởng chị Như, không ngờ rằng chị Như rắp tâm lừa đảo ngay chính nhân viên của mình.”

Còn Trần Thanh Thanh - nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, đã thực hiện giải ngân 6 hợp đồng tổng giá trị 25 tỷ đồng được đảm bảo bằng 5 sổ tiết kiệm trị giá 26 tỷ đồng khai: “Theo bị cáo, quá trình thực hiện giải ngân bị cáo đã bỏ qua giai đoạn, đã giải ngân khi không có khách hàng trực tiếp đến ký. Theo bị cáo lý do sai quy trình vì đây là ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ. Bị cáo nhận được điện thoại của Phó giám đốc Trương Minh Hoàng, nên có tâm lý khoản vay này đã được thông qua ý kiến của cấp trên và tin tưởng chị Như – người tiền nhiệm, là người có mối quan hệ rộng, có nhiều khách hàng, nên nếu mình không thực hiện như thế này có thể dẫn đến mất khách hàng, mất nguồn vốn, giảm chỉ tiêu”.  

Hôm nay 10/1, vụ án tiếp tục được xét xử. Qua “đại án” này, mỗi chúng ta sẽ rút ra được nhiều điều, với những mong xã hội ngày một “trong lành” và mỗi con người chúng ta ngày càng trở về bản ngã “người” hơn.

Thanh Trà