Ma trận 'thẻ xanh Covid-19'
Nên tích hợp các ứng dụng khai báo để bất kỳ người dân nào cũng có thể thấy thẻ xanh vaccine trên điện thoại của mình.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực là chuyên gia kinh tế, ngân hàng, chia sẻ bài viết về việc người dân gặp khó bởi các ứng dụng chống dịch:
Tôi nhận thông báo của UBND phường yêu cầu khai báo y tế. Trong tờ thông báo, cán bộ phường liệt kê ra gần chục các ứng dụng như NCOVI, Tokhaiyte, Bluezone... mà họ cũng không biết hay không chịu thử xem là cái nào tiện lợi nhất.
Tôi lại vào website của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia thì được khuyến nghị "người dân hãy cài Bluezone". Tôi đã cài và dùng ứng dụng này, thấy nó có ưu điểm là hỗ trợ truy vết, cập nhật thông tin về dịch bệnh - tổng hợp từ các nguồn thông tin khác như CDC, Bộ Y tế...
Ứng dụng này có cả khai báo y tế, quản lý mã QR nhưng khá sơ sài và chưa được tích hợp, chưa được công nhận bởi một số bệnh viện hay địa phương. Chưa kể bây giờ, với biến thể Delta, việc truy vết không còn tác dụng nhiều.
Các địa phương thì mỗi nơi đang yêu cầu người dân khai báo một kiểu. TP HCM và Hà Nội đã yêu cầu dân dùng ứng dụng của Bộ Công an, đa số các địa phương khác vẫn yêu cầu khai báo y tế trên các ứng dụng của Bộ Y tế như NCOVI Bluezone hay Tokhaiyte... Một vài địa phương khác sáng tạo hơn, có ứng dụng riêng với tên gọi khá kêu như Smart kèm theo tên tỉnh thành...
>> 'Cuộc sống thời Covid-19 không thể thiếu shipper'
Hai tuần trước, tôi đi tiêm vaccine mũi hai, khấp khởi mừng thầm vì đã chuẩn bị đầy đủ sáu loại giấy tờ, gồm: Giấy cam kết đồng ý tiêm vaccine do cơ quan làm, phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu khám sàng lọc trước tiêm, danh sách được tiêm có tên mình, khai báo y tế trên bluezone, bản chụp màn hình chứng minh mũi tiêm thứ nhất.
Tuy nhiên, khi đến nơi tiêm, cô nhân viên ở quầy tiếp nhận trả lời: "Bệnh viện em yêu cầu khai báo y tế theo mẫu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch dùng mã QR". Tôi hỏi lại: "Sao tôi không dùng được bản đã khai báo y tế trên Bluezone nhỉ?"- "Không ạ, anh cần khai theo mẫu này quét mã QR ạ", cô đáp.
Tôi cũng không hỏi thêm gì nữa vì biết rằng cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi hiểu vì dữ liệu hiện nay của các ứng dụng không nhất quán, không liên thông với nhau, mỗi nơi tự thu thập, tự yêu cầu, tự sử dụng, không kết nối với bên nào. Tôi khai và nộp lại. Cô nhận tờ giấy, liếc qua, nhét vào ngăn kéo. Không rõ sau này những tờ khai đó sẽ được dùng làm gì, lưu trữ hay tiêu hủy thế nào? Nếu cùng một người khai trên ứng dụng Bluezone hôm nay đi vào vùng đỏ, nhưng khai trên ứng dụng khác hôm nay ở nhà, có lẽ không có ai thắc mắc.
Tương tự, việc quản lý thông tin đi lại bằng mã QR cũng chưa thống nhất, tôi vào website của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, được khuyến nghị dùng Bluezone, trong khi đó, TP HCM và một số địa phương khuyến nghị dùng ứng dụng của Bộ Công An như nêu trên.
Việc lưu trữ, cập nhật thông tin tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng vậy, có chỗ tiêm đã tải lên hệ thống tiêm chủng quốc gia, có chỗ thì chưa, nên khi tiêm mũi hai hoặc xuất trình bằng chứng tiêm chủng lại phải dùng bản xác nhận bằng giấy hoặc chụp từ màn hình bằng chứng khác.
Giấy tờ kiểm tra tại các chốt chặn hiện nay như giấy đi đường (bản in hoặc mã QR), giấy xét nghiệm âm tính của tài xế, bản cam kết không dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh này cũng trong tình trạng tương tự. Đa số các chặng, chốt kiểm soát vẫn rất thủ công, thiếu nhất quán, mất khá nhiều thời gian, đôi khi gây ùn tắc giao thông, nguy cơ lây nhiễm qua tụ tập đông người, qua bề mặt giấy tờ rất cao, dẫn đến ách tắc giao thông, lưu thông, kể cả hàng thiết yếu. Chưa kể một số địa phương, phường, xã còn đẻ thêm giấy tờ con như giấy xác nhận đăng ký xe đi qua, giấy cam kết thực hiện phòng chống dịch của mỗi người lao động.
Có lẽ khổ nhất vẫn là người dân, người lao động, doanh nghiệp vì phải tuân thủ đủ thứ, phải khai báo, cam kết nhiều thứ, đa số là thủ công, còn hiệu quả phòng chống dịch đến đâu thì chưa rõ? Người nghèo cũng khó được nhận hỗ trợ an sinh chỉ vì bộ đầu mối và địa phương không hề ứng dụng công nghệ để làm công tác xã hội.
Còn cơ quan quản lý cũng chẳng sung sướng gì vì không có được dữ liệu cập nhật, đồng bộ, liên thông trong tay để có thể đưa ra những nhận định, phân tích, dự báo diễn biến dịch bệnh, từ đó phác đồ chiến lược, cách thức phòng chống dịch hiệu quả hơn.
>> Hai biện pháp để tận dụng shipper mùa dịch
Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong phòng chống dịch bệnh, công thức chống dịch bây giờ phải là "5K + vaccine và thuốc + công nghệ". Riêng về ứng dụng công nghệ các nước đã thực hiện từ đầu dịch và nhiều nhất là từ giữa năm 2020.
Vậy mà người dân vẫn quay mòng mòng giữa các ứng dụng, nền tảng khai báo, hệ thống mã QR, rối tinh với nhiều thông báo dùng phần mềm này, phần mềm kia để khai báo y tế, đăng ký tiêm vaccine, truy vết, trong khi mỗi nơi, mỗi nhà quản lý, mỗi chốt kiểm soát lại có cách hiểu khác nhau...
Doanh nghiệp, người dân, kể cả thành phần cọ sát khá nhiều với công nghệ như chúng tôi cũng cảm thấy rối bời. Thử hỏi, những người cao tuổi, người ở quê ra thành thị, người lần đầu tiên dùng điện thoại thông minh thì biết làm gì?
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Tôi lần rờ phần mềm khai báo y tế, thấy nhiều phần mềm khai báo khác nhau như Bluezone, NCOVI, tokhaiyte (hay VHD đối với khách nước ngoài) và của Bộ Công an tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn....
Ngày 17/8, ba bộ này ngồi họp bàn và thống nhất sẽ dùng phần mềm của Bộ Công An do phần mềm này buộc người dân khai đúng về nơi lưu trú, tạm trú, thường trú, nơi đến, nơi đi bởi sẽ phải đối chiếu với căn cước công dân và liên kết với công an địa phương, trong khi căn cước công dân mới chưa làm xong toàn bộ và không phải ai lúc này đều đã có?
Đặc biệt là phần mềm của Bộ Công An với mục đích chính là "khai báo di chuyển nội địa", nên nếu dùng vào mục đích khai báo y tế hay đăng ký tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng thì e rằng không thể đáp ứng được yêu cầu của cơ quan y tế. Chưa kể, hiệu lực của mỗi khai báo này là 3 ngày và dữ liệu cá nhân của công dân như số căn cước công dân, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại... bị bắt buộc phải khai báo ở nhiều nơi.
Khai báo ở nhiều nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ như bị lộ thông tin cá nhân, có thể kẻ gian dùng vào những mục đích khác, nếu không được bảo quản cẩn thận.
Vậy, bao giờ chúng ta mới được khai báo y tế, sức khỏe, bảo hiểm y tế, thậm chí cả bảo hiểm xã hội trên một nền tảng thống nhất?
Hơn một năm rưỡi qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã tiến rất nhanh về ứng dụng công nghệ tiên tiến, dữ liệu lớn để đảm bảo phòng chống dịch thành công. Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ... đã dùng công nghệ học máy, dữ liệu trên điện thoại thông minh, vật dụng đeo tay để truy dấu vết, tìm hành trình đi lại, truy tiếp xúc.
Những quốc gia này đã dùng trí tuệ nhân tạo, máy đo thân nhiệt hiện đại, camera thông minh, máy đo thân nhiệt kỹ thuật số để phát hiện triệu chứng. Họ cũng đã dùng hệ thống định vị, camera, ứng dụng điện thoại và mã QR để phát hiện và truy dấu vết của những ca nhiễm, đi đến quyết định có cách ly hay không và theo dõi người bị nhiễm thế nào.
Đặc biệt, công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ đắc lực cho việc hội chuẩn ca nhiễm, dự báo diễn biến dịch, điều trị từ xa, theo dõi tình trạng của các cơ sở y tế xem có thừa, thiếu nhân lực, vật lực như thế nào để điều tiết, giảm tối đa tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Việc đăng ký, theo dõi tiêm vaccine, chứng nhận tiêm chủng, rồi hộ chiếu vaccine, luồng vaccine... tất cả đều đã được chuẩn hóa và trên nền tảng công nghệ nhất quán.
>> Mở rộng giao hàng thiếu yếu đến ngoại thành
Để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông (internet, mạng 4G hay 5G), chính phủ các nước đang tập trung đầu tư vào công nghệ và hạ tầng số với hình thức hợp tác công - tư (PPP). Dữ liệu cá nhân thu thập được trên các nền tảng công nghệ đó và dùng cho mục đích tạm thời (như truy vết, tìm tiếp xúc...) sẽ chỉ lưu trữ khoảng hai, ba tuần, khớp với quãng thời gian lây lan, sau đó sẽ tự động được xóa đi. Việc này giải quyết được lo ngại về an toàn thông tin cá nhân trong dịch.
Không kỳ vọng Việt Nam có thể giải quyết hết những bài toán trên một lúc, nhưng ít nhất, ngay lúc này, tích hợp các ứng dụng khai báo để bất kỳ người dân nào cũng có thể thấy thẻ xanh vaccine trên điện thoại của mình, trình với cán bộ trực chốt hay cơ quan chức năng sẽ giảm tải gần như tối đa cho việc đi lại, lưu thông.
Miễn là n chức trách có ý chí chính trị, những bên liên quan vì cái chung, vì người dân và doanh nghiệp thay vì lợi ích nhóm. Thủ tướng, phó thủ tướng phụ trách chuyên môn đã yêu cầu mạnh mẽ giải quyết thực trạng này, nhưng tại sao vẫn chưa nhiều chuyển biến?
Theo/vnexpress.net