Mất hơn 500 triệu đồng vì cài đặt app “giả mạo”, bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Đối tượng gửi cho anh P đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”, quét mã QR xác thực khuôn mặt; tuy nhiên, sau khi tắt máy, khởi động lại thì tài khoản ngân hàng đã bị mất hơn 500 triệu đồng…
Mất hơn 500 triệu đồng vì cài đặt app “giả mạo”, bị chiếm quyền điều khiển điện thoại - Ảnh minh họa.
Ngày 30/9, Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, cho biết đang điều tra vụ chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh công an gọi điện, yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để làm căn cước cho con.
Đây là phương thức, thủ đoạn mới được đối tượng áp dụng nhắm đến việc làm căn cước cho người thân, đặc biệt con cái trong gia đình. Theo đó, các đối tượng đã gọi điện, tự xưng là cán bộ công an, cảnh sát khu vực, yêu cầu người dân tải ứng dụng trên điện thoại để làm thủ tục cấp căn cước trực tuyến.
Trước đó, vào giữa 9/2024, anh P (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng, tự xưng là cán bộ công an yêu cầu anh cài đặt phần mềm để làm căn cước cho con.
Sau đó, đối tượng gửi cho anh P đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi quét mã QR xác thực khuôn mặt, anh P phát hiện máy bị treo.
Sau khi cài đặt xong, anh P tắt máy, khởi động lại thì tài khoản ngân hàng đã bị mất hơn 500 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh P đã đến Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại.
Ngoài ra, người dân chủ động tìm hiểu thông tin làm căn cước qua Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các quận, huyện hoặc công an xã, phường nơi sinh sống. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự với trường hợp trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian gần đây trên không gian mạng liên tiếp xuất hiện các nạn nhân sập bẫy chiêu trò lừa đảo giả danh công an, hướng dẫn hoặc báo lỗi tài khoản VNeID dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNeID của họ bị lỗi. Sau đó, hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt. Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
"Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Bên cạnh đó, công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.