"Mặt trái" của học online đối với trẻ em
Gần 2 năm sống trong dịch Covid-19 và phải học online, trẻ gặp nhiều khó khăn khi học tập và mất đi sự gắn kết với bạn bè, thầy cô.
- TP. HCM đề xuất hỗ trợ thiết bị học online cho 72.600 học sinh
- Học online: Những điều cha mẹ cần lưu ý để con học an toàn
- Phụ huynh cần lưu ý điều gì khi mua laptop cũ cho con học online
- TP. HCM đề xuất hỗ trợ thiết bị học online cho 72.600 học sinh
- Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn kiểm tra, đánh giá khi học online
- Bình Dương: Học sinh sẽ tựu trường từ 1/9 và học online trong 2 tháng đầu
- Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bán khóa học Online thiết kế đồ họa
- Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu chọn khung giờ học online phù hợp cho học sinh lớp 1
Năm học mới thường bắt đầu với sách vở, quần áo mới và những niềm vui ngày tựu trường. Tuy nhiên, gần 2 năm đại dịch xảy ra, nhiều thói quen sinh hoạt và học tập của trẻ bị đảo lộn. Mùa thu 2021, nhiều đứa trẻ bắt đầu năm học mới với những tổn thương, lo lắng và nhiều lỗ hổng trong việc học online.
Năm học mới đánh dấu bằng những tiết học qua màn hình máy tính, điện thoại. Nhiều đứa trẻ bỏ lỡ thời gian học thể dục, tham gia hoạt động ngoại khóa cùng giáo viên, bạn bè.
Nhiều đứa trẻ dựa vào trường học như một mạng lưới an toàn về giáo dục và sức khỏe. Nhưng sau đại dịch, các em mất đi những bữa ăn trường học dinh dưỡng và không có người lớn kèm cặp, kiểm tra thường xuyên như khi học trên lớp. Các cố vấn giáo dục cũng gặp khó khăn khi tiếp cận với học sinh.
Việc học bị đình trệ
Để chỉ ra những tác động xấu của Covid-19 đến việc học của trẻ, Curriculum Associates đã thực hiện một so sánh về điểm kiểm tra của trẻ em tại California (Mỹ) vào năm 2019 và 2020. Kết quả cho thấy kết quả học tập của trẻ năm 2020 giảm sút rõ rệt so với năm 2019, khi đại dịch chưa xảy ra.
Thông thường, một năm học kéo dài trong khoảng 9 tháng. Đại dịch đã khiến trẻ mất đi 1/4 đến 1/3 thời gian năm học.
Theo phân tích của công ty McKinsey & Company, học sinh tiểu học tại Mỹ hoàn thành năm học 2020-2021 chậm hơn 5 tháng đối với môn Toán và 4 tháng đối với môn Đọc. Số liệu này chỉ lấy kết quả từ những đứa trẻ đến trường học, những em học online có thể đưa ra con số tệ hơn.
Trẻ mệt mỏi khi phải học online trong thời gian dài.
Sự đình trệ trong học tập được thể hiện rõ nhất ở trẻ đến từ các cộng đồng người da màu, gốc Tây Ban Nha hoặc những em gặp khó khăn về kinh tế. Theo thống kê, học sinh ở các trường đa số là người da màu kết thúc năm học chậm hơn 6 tháng, trong khi học sinh ở các trường phần lớn là người da trắng chỉ bị chậm hơn 3-4 tháng.
Libby Pier, chuyên gia khoa học giáo dục của tổ chức phi lợi nhuận Education Analytics, cho biết các cơ quan thống kê không thể kết luận những tác động học tập ở trẻ là do đại dịch hay do việc học online gây ra. Chưa kể, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng do phải đối mặt với nỗi đau mất cha mẹ hoặc gặp các vấn đề về đường truyền Internet.
Mệt mỏi vì học online
Mùa thu năm 2020, nhà tâm lý học xã hội Kathleen Ethier cùng cộng sự đã thực hiện khảo sát với 1.290 phụ huynh có con 5-12 tuổi để hỏi về tình hình học tập của trẻ trong mùa dịch.
Kết quả, những gia đình có con học online bán thời gian hoặc toàn thời gian có kết quả học kém hơn những em học trực tiếp. Trẻ học online ít tập thể dục, không có thời gian ra ngoài và gặp gỡ bạn bè. Cha mẹ các em cũng trong tình trạng suy nhược tinh thần, khó ngủ và xung đột giữa công việc và chăm sóc con cái.
Trước đó, vào tháng 3/2020, khi dịch bệnh ở Mỹ bắt đầu bùng phát, Đại học Michigan thực hiện khảo sát với những cha mẹ có con dưới 12 tuổi. Kết quả cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội, họ mắng và phạt con nhiều hơn. 61% trong số này từng lớn tiếng với con ít nhất một lần mỗi tuần, 20% từng đánh con.
Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho hay nhiều phụ huynh mất việc hoặc phải nghỉ làm vì có con học trực tuyến. Sức khỏe tinh thần của họ cũng giảm sút kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Dorina Bekoe, mẹ của hai đứa trẻ 9 tuổi và 12 tuổi, hiểu rõ những sự căng thẳng đó. Bokoe cho biết cô áp lực vì phải cân bằng giữa việc chăm con và làm việc.
Mỗi ngày, Bekoe dậy từ lúc 4h30 để hoàn thành các công việc trước khi hai con thức dậy. Đến 22h, khi bọn trẻ đi ngủ, cô mới có thời gian làm nốt công việc. Ngay cả những hoạt động quen thuộc như dùng mạng xã hội, đọc sách, tụ tập bạn bè, cô cũng không có thời gian tham gia.
Một số em thậm chí mất đi cơ hội giao tiếp vì những giờ học trực tuyến.
Rối loạn tâm lý
Ông Pedro Noguera nhận định nếu ngành giáo dục chỉ tập trung vào việc học và bỏ qua những thách thức về vấn đề tâm lý trong đại dịch, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần trong thời gian dài.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ mắc trầm cảm và rối loạn lo âu ở thanh, thiếu niên vẫn không ngừng tăng lên.
Số liệu được đăng tải trên Morbidity and Mortality Weekly Report cho thấy tỷ lệ trẻ 5-11 tuổi tìm đến các khoa tâm thần trong năm 2020 tăng trung bình 25% mỗi tháng. Cụ thể, năm 2019 chỉ có 782 lượt khám mỗi tháng liên quan sức khỏe tinh thần, nhưng đã tăng lên 972 lượt khám vào năm 2020,
Đối với thanh thiếu niên 12-17 tuổi, con số này lên đến 30%, tức là tăng từ khoảng 3.000 lượt khám mỗi tháng vào năm 2019 lên đến hơn 4.000 lượt vào năm 2020.
Trong tháng 2 và tháng 3/2021, trung bình khoảng 855 lượt khám tại khoa cấp cứu tại Mỹ mỗi tuần vì trẻ 12-17 tuổi có ý định tự tử, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Bác sĩ nhi khoa Dimitri Christakis tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle (Mỹ), khẳng định việc học bị gián đoạn trong mùa dịch có thể tạo bóng ma tâm lý lâu dài cho trẻ.
"Học hành gián đoạn là vấn đề lớn. Cuộc sống, tuổi thọ và sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng suốt cuộc đời".
PV (t/h)