Mở rộng diện tích thành phố Huế gấp 4 lần hiện tại
Sau điều chỉnh, thành phố Huế sẽ có diện tích 265,99 km2 thay vì diện tích 72 km2 như hiện tại; dân số tăng từ 450.000 người lên 652.572; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị).
Tại phiên họp thứ 55 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/4, 100% các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh trà trình bày báo cáo tóm tắt về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về thành phố Huế quản lý.
Thành phố Huế được mở rộng diện tích gấp 4 lần hiện tại.
Về phương án sắp xếp 9 phường thuộc thành phố Huế được Chính phủ đề xuất là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập phường mới, lấy tên Gia Hội. Nhập toàn diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc; Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Đông Ba.
Điều chỉnh 0,46 km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; Điều chỉnh 0,80 km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Chính phủ cũng đề xuất thành lập 4 phường thuộc thành phố Huế gồm phường Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An.
Sau khi điều chỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 145 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 141 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 xã và 1 thị trấn).
Đối với thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (hiện tại là 70,67 km2), dân số 652.572 người (hiện tại là 354.124 người); có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã). Như vậy, thành phố Huế trong tương lai sẽ rộng gấp gần 4 lần hiện tại.
Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, thành phố Huế là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.
Do vậy, việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, trong Đề án đã có phương án cụ thể về việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và giải quyết dôi dư khi thực hiện sắp xếp.
Sau khi đại diện Chính phủ, chính quyền địa phương thảo luận và giải trình, Ủy ban Thường vụ tán thành với các nội dung, thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị để đảm bảo hoàn chỉnh việc sắp xếp trước 2022. Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội đề nghị có hiệu lực từ 1/7/2021 để có thời gian cho địa phương, các cơ quan chuẩn bị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ và địa phương tuân thủ quy hoạch khi mở rộng thành phố Huế, xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các công tác quy hoạch; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Mai Ngọc (t/h)