Mỗi tháng có 12.000 doanh nghiệp phá sản
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hết tháng 11/2022 cả nước có hơn 132.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân mỗi tháng có trên 12.000 doanh nghiệp.
Sáng nay (29/11), Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022. Theo đó, các ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ví dụ như ngành thủy sản ghi nhận sản lượng kỷ lục, lên tới 8,25 triệu tấn kể từ đầu năm tới nay. Hoặc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của GSO chỉ rõ: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2022 có 101 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 395,8 triệu USD, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 78,3 triệu USD, giảm 81,9%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 474,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước; tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, điều này thể hiện qua các báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, trong tháng 11/2022, cả nước có 11.943 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,3% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, cả nước còn có 6.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Thế nhưng, cả nước ghi nhận 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% và tăng 13,7%; có 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% và tăng 9,8%; có 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 11,2% và tăng 13,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132.300 doanh nghiệp, tăng 24,3%; bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khôi Nguyên (T/h)