Hà Nội có hơn 2,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10
Tính chung 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; với tổng vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, 10 tháng năm 2022, kinh tế Thủ đô tiếp tục chuyển biến tích cực và thể hiện rõ trên hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cũng như đời sống xã hội.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; khai khoáng giảm 4,9%.
Đặc biệt, trong tháng 10, Thành phố có hơn 2,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32%.
Cơ quan chức năng đã thực hiện thủ tục giải thể cho 268 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ. Đã có 1.264 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 50%; 824 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 24% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Tính chung 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; với tổng vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Thành phố Hà Nội đã thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19%, bên cạnh 15,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%.
Cùng với đó, có 8,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
Lũy kế 10 tháng qua, Thủ đô Hà Nội đã thu hút thêm 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đăng ký cấp mới cho 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư thêm 573 triệu USD và có 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 14 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,7%.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng mạnh so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 2,152 tỷ USD, tăng 21,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,998 tỷ USD, tăng 22%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,661 tỷ USD, tăng 1,7%; xăng dầu đạt 996 triệu USD, tăng 88,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 717 triệu USD, tăng 19,4%...
Lũy kế 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức trên. Thị trường có nguồn cung dồi dào, giá cả duy trì ổn định và đang sôi động trở lại.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.
Cùng với đó, Thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước.
Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài như nền tảng số, cải cách thể chế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính...
Năm , UBND Thành phố Hà Nội phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 trên địa bàn Thành phố tăng 6-8% so với thực hiện năm 2022.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, Kế hoạch số 274/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023 cho biết, Thành phố sẽ triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn; Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu...
Khôi Nguyên (T/h)