Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo công nghệ mới
Trong thời đại số, tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi, liên tục biến đổi chiêu trò để lợi dụng sự chủ quan và thiếu cảnh giác của người dùng.
Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo công nghệ mới qua hệ thống ngân hàng
Trước sự gia tăng của các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) và Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) đã chủ động phát đi cảnh báo nhằm bảo vệ tài chính của khách hàng một cách kịp thời và hiệu quả.
Ngân hàng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo công nghệ mới: Quishing. Ảnh minh hoạ: PV
Một trong những thủ đoạn phổ biến gần đây là lừa đảo bằng mã QR (Quishing), với sự kết hợp giữa “QR code” và “phishing”. Kẻ gian tạo mã QR giả mạo để dụ người dùng quét, từ đó chuyển hướng đến website giả mạo, cài mã độc hoặc đánh cắp thông tin đăng nhập ngân hàng.
Quishing là một hình thức lừa đảo trực tuyến mới, kết hợp giữa mã QR và phương thức phishing (lừa đảo). Kẻ gian tạo ra mã QR giả mạo, đánh lừa người dùng quét mã để dẫn đến các trang web giả, thường có giao diện giống hệt website ngân hàng, ví điện tử hoặc cơ quan chức năng. Tại đây, người dùng dễ bị dụ nhập thông tin cá nhân, tài khoản đăng nhập, mã OTP hoặc thậm chí bị cài phần mềm độc hại lên thiết bị.
Một số hình thức Quishing thường gặp gồm: dán đè mã QR giả ở nơi công cộng như nhà hàng, trạm xe, điểm thanh toán; gửi email, tin nhắn giả mạo ngân hàng kèm mã QR; in mã QR trên vé hoặc sản phẩm giả; chuyển hướng đường link sau khi quét mã.
Hậu quả có thể khiến người dùng mất thông tin cá nhân, bị cài đặt phần mềm gián điệp hoặc bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, thủ đoạn giả mạo cơ quan công quyền, nhân viên ngân hàng hoặc công ty dịch vụ cũng gia tăng. Kẻ gian thường gọi điện tự xưng điều tra viên, công an, nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ xã/phường, yêu cầu cung cấp mã OTP, mật khẩu hoặc hướng dẫn cài đặt ứng dụng chứa mã độc. Chúng thường lợi dụng thông tin thời sự như sáp nhập địa giới, chương trình điểm thưởng hoặc hoàn tiền để đánh lừa người dùng.
Cách phòng tránh chiêu thức lừa đảo Quishing
Để phòng ngừa rủi ro lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng luôn kiểm tra nguồn gốc mã QR và tuyệt đối không quét mã lạ. Chỉ truy cập các website bắt đầu bằng “https://” và đúng tên miền chính thức. Tuyệt đối không chia sẻ OTP, mã PIN hay thông tin đăng nhập tài khoản cho bất kỳ ai. Đồng thời, không nhấp vào đường link không rõ ràng và không tải ứng dụng từ nguồn không xác minh.
Khách hàng cần xác minh thông tin qua các kênh chính thức, liên hệ trực tiếp với ngân hàng khi nghi ngờ và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Tại ngân hàng Vietcombank, khách hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ hoặc OTP qua đường link lạ hay tin nhắn SMS. Ngoài ra, đối với điểm thưởng VCB Loyalty không thể quy đổi thành tiền mặt nên khách hàng cần chú ý nâng cao cảnh giác.
Đối với KienlongBank, ngân hàng khẳng định kẻ gian đang sử dụng thủ đoạn mạo danh cán bộ địa phương để lừa người dân cài ứng dụng giả mạo VNeID. VRB khuyến nghị khách hàng chỉ đăng nhập Internet Banking qua các địa chỉ chính thức của ngân hàng.
Ngoài ra, khách hàng nên đổi mật khẩu định kỳ, tránh sử dụng máy tính công cộng để đăng nhập tài khoản ngân hàng và luôn cài đặt phần mềm diệt virus để bảo vệ thiết bị cá nhân.