Bộ Công an chỉ ra những hình thức lừa đảo công nghệ cao phổ biến nhất hiện nay

17:21, 01/07/2025

Theo thông tin từ Bộ Công an, trong bối cảnh thế giới ngày càng số hóa, người dùng Internet tại Việt Nam phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa của các đối tượng lừa đảo công nghệ cao hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2024 đã phát hiện hơn 6.000 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục đối mặt với làn sóng tấn công mạng phức tạp, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware). Dù các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa và ứng phó, nhưng tấn công mạng vẫn diễn ra với tần suất và mức độ tinh vi ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam, các cuộc tấn công mạng không chỉ nhắm đến doanh nghiệp mà còn hướng vào các hệ thống thiết yếu của quốc gia, bao gồm ngành ngân hàng, năng lượng, các tổ chức nhà nước và thậm chí là hệ thống của các cơ quan báo chí, thông tấn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao khả năng phòng thủ an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc. 

Thông tin thêm về tình trạng này, Đại tá Nguyễn Huy Lục, Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết, thời gian qua rất nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo mạng tại Việt Nam. Theo đó có 7 hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. 

Nhiều hình thức lừa đảo công nghệ cao nhắm vào người dùng internet gây ra không ít thiệt hại. Ảnh minh họa

Mạo danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án

Kẻ gian giả danh cán bộ thuộc cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa nạn nhân liên quan đến các vụ đang điều tra, như rửa tiền, buôn bán trái phép chất ma túy. Chúng sau đó yêu cầu nạn nhân chứng minh sự trong sạch bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chỉ định, hoặc tải ứng dụng giả mạo để chiếm quyền điều khiển thiết bị, cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP để rút tiền.

Lừa đảo thu hồi vốn treo

Tự xưng là cán bộ thuộc lực lượng công an, hội luật sư, kẻ gian quảng cáo dịch vụ "thu hồi vốn treo" - tức giúp lấy lại tiền của người dân bị lừa qua mạng trước đó. Chúng tạo video, hình ảnh, trang web, ứng dụng và tài liệu giả để lấy lòng tin, sau đó đưa ra nhiều lý do để người dân chuyển khoản với số tiền lớn, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. "Có người bị lừa số tiền lần sau còn cao hơn lần đầu", ông Lục nói.

Lừa đầu tư trên nền tảng giả mạo

Một hình thức phổ biến là giả danh nhân viên của sàn thương mại điện tử, sàn đầu tư ngoại hối, tiền ảo, tài chính quốc tế gọi điện thoại cho nạn nhân kêu gọi đầu tư lợi nhuận cao.

Theo đại diện A05, kẻ gian sử dụng các trang web, nền tảng giả mạo và hội nhóm mạng xã hội để thao túng nhà đầu tư, chỉnh sửa lệnh cho nạn nhân dễ dàng thắng những khoản đầu tư nhỏ ban đầu. Khi họ đổ vào khoản tiền lớn, chúng sẽ đánh "cháy" tài khoản hoặc đánh sập sàn.

Lừa đảo tình cảm trục lợi tài chính

Đây là hình thức được cảnh báo thời gian dài, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy. Kẻ gian giả danh các cá nhân có ngoại hình đẹp, tạo dựng lòng tin thông qua tin nhắn trên mạng xã hội, ứng dụng OTT. Chúng lấy lý do để không gặp mặt trực tiếp, sau đó lừa nạn nhân tham gia vào ứng dụng, trang web cờ bạc hoặc đầu tư giả mạo.

Người dùng ban đầu có thể thắng số tiền nhỏ và rút được tiền về để tạo lòng tin. Sau đó, họ bị thúc giục nạp thêm để gia tăng lợi nhuận. Khi số tiền đủ lớn, kẻ gian lấy lý do để khóa tài khoản, yêu cầu nạp thêm nếu muốn mở khóa, hoặc hứa hẹn cho rút tiền nhằm chiếm toàn bộ tài sản và cắt đứt liên lạc.

Lừa đảo thanh toán dịch vụ

Hình thức này xuất hiện nhiều năm, nhưng liên tục thay đổi kịch bản khiến người dùng mắc bẫy. Ví dụ, trong những ngày hè nắng nóng, ông Lục cho biết kẻ gian có thể mạo danh công ty điện lực dọa cắt điện, khiến người dùng dễ sập bẫy.

Ngoài ra, chúng có thể giả danh công ty cấp thoát nước, viễn thông và gọi điện, nhắn tin yêu cầu thanh toán tiền dịch vụ định kỳ, hoặc cập nhật thông tin.

"Chúng dọa sẽ ngừng cung cấp dịch vụ nếu không làm theo yêu cầu, sau đó yêu cầu nạn nhân cài ứng dụng giả mạo, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản", đại diện Bộ Công an khuyến cáo.

Mạo danh cơ sở giáo dục

Đây là thủ đoạn được ghi nhận nhiều thời gian qua. Kẻ gian giả nhân viên cơ sở giáo dục, gọi điện cho sinh viên hoặc phụ huynh, thông báo về việc đủ điều kiện nhận học bổng du học nước ngoài, được hoàn tiền học phí hoặc có thể tham gia trại hè thuộc các trường công an, quân đội.

Chúng yêu cầu nạn nhân thực hiện nhiệm vụ online, hoặc khi đăng ký học bổng, hoàn tiền học phí phải có bằng chứng để chứng minh tài chính hoặc đặt cọc ngay lập tức để đảm bảo giữ học bổng, từ đó ép nạn nhân chuyển tiền gấp hoặc bấm vào liên kết độc hại để đánh cắp thông tin chi tiết ngân hàng và mã xác thực OTP.

Lừa đảo mua bán và du lịch trực tuyến

Lợi dụng nhu cầu mua bán, du lịch của nhiều người dùng, kẻ gian giả danh người bán và đại lý du lịch hợp pháp bằng cách tạo trang web và trang mạng xã hội giả mạo, đưa ra ưu đãi hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân đặt cọc.

Sau khi nhận tiền đặt cọc, chúng gửi email hoặc tin nhắn thông báo lỗi chuyển khoản và yêu cầu thanh toán thêm, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền.

Để đấu tranh, phòng chống tội phạm trực tuyến, đại diện Bộ Công an cho biết đã triển khai nhiều biện pháp, như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, Internet, công nghệ thông tin. Bộ cũng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong phòng chống tội phạm, nghiên cứu và xây dựng giải pháp phản ứng nhanh khi xảy ra tình huống lừa đảo trực tuyến; tuyên truyền với 500 triệu tin nhắn SMS cảnh báo tới người dân, hợp tác với Google để nâng hiệu quả thực hiện chiến dịch tuyên truyền.

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá, công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức người dân là yếu tố then chốt để hạn chế tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến.

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn cho rằng, để thực hiện có hiệu quả công tác này, cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Đặc biệt là cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp xuyên quốc gia có lượng người dùng lớn tại Việt Nam.