Doanh nghiệp đối mặt với áp lực kép trong chuyển đổi xanh

08:07, 24/07/2025

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, nhưng theo các doanh nghiệp, hành trình này vẫn đang đối mặt với áp lực kép về chi phí sản xuất cao và thị trường chưa sẵn sàng trả thêm cho giá trị bền vững…

Tại họp báo về Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, các doanh nghiệp cho rằng trước sức ép của biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, hành trình này vẫn gặp nhiều rào cản về chi phí, công nghệ và chính sách.

Chi phí cao, thị trường chưa sẵn sàng 

Một trong những rào cản lớn nhất trên hành trình chuyển đổi xanh chính là bài toán kinh tế. Bà Nguyễn Bích Diền, Phó Tổng Giám đốc Faslink, chia sẻ thách thức nằm ở áp lực tăng trưởng và sự chấp nhận của thị trường, vốn vẫn còn rất nhạy cảm về giá.

Dưới góc độ doanh nghiệp trong ngành thời trang, bà Diền cho biết đa phần người tiêu dùng hiện nay dễ bị cuốn vào xu hướng thời trang nhanh (fast fashion), họ có xu hướng quan tâm đến giá cả nhiều hơn là chất lượng và nguồn gốc bền vững của sản phẩm.

Các sản phẩm xanh, quần áo làm từ nguyên liệu thân thiện ở giai đoạn đầu có giá thành cao hơn hẳn so với polyester hay cotton truyền thống. Điều này tạo ra một nghịch lý là doanh nghiệp muốn xanh hóa nhưng lại đối mặt với nguy cơ mất sức cạnh tranh về giá.

Bà Nguyễn Bích Diền, Phó Tổng Giám đốc Faslink.

Trong khi đó, các sản phẩm xanh, quần áo làm từ nguyên liệu thân thiện ở giai đoạn đầu có giá thành cao hơn hẳn so với polyester hay cotton truyền thống. “Điều này tạo ra một nghịch lý là doanh nghiệp muốn xanh hóa nhưng lại đối mặt với nguy cơ mất sức cạnh tranh về giá”, bà Diền chia sẻ.

Thêm vào đó, thách thức ngành thời trang bền vững là làm sao cân bằng giữa tăng trưởng doanh thu và giảm tiêu thụ. Đại diện Faslink thẳng thắn: “Chúng tôi không khuyến khích khách hàng mua nhiều, mà khuyến khích họ mua những sản phẩm chất lượng hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn. Chúng tôi theo đuổi việc tuần hoàn và xanh hóa ngành dệt may, thay vì chạy theo doanh số từ việc tiêu dùng quá mức”.

Vấn đề này không chỉ tồn tại trong ngành dệt may. Ông Lê Viết Đông Hiếu, Trưởng phòng Phát triển bền vững, Duy Tân Recycling, cho biết công ty chuyên tái chế nhựa theo mô hình "bottle-to-bottle" (từ chai cũ thành chai mới đạt chuẩn thực phẩm), cũng chỉ ra một thách thức tương tự ở khâu đầu vào.

“Để sản xuất chai nhựa tái chế đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nguồn chai nhựa thu gom phải sạch. Nhưng thực tế, chai nhựa thu gom từ môi trường thường rất bẩn, làm tăng đáng kể chi phí xử lý”, ông Hiếu thông tin thêm.

Hình minh họa do AI thực hiện.

Cần bệ đỡ từ công nghệ và chính sách 

Đối mặt với áp lực chi phí và thị trường, các doanh nghiệp đều chung một nhận định không thể đơn độc trên hành trình này. Để chuyển đổi xanh thành công, cần một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ và đặc biệt là các cơ chế, chính sách từ nhà nước.

Dù vậy, "nút thắt" lớn được chỉ ra là khoảng cách giữa nghiên cứu và thương mại hóa. Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Diền cho biết rất nhiều ý tưởng sáng tạo như vải từ vỏ chuối, vải từ nấm,… đã ra đời từ các đồ án sinh viên tại những trường đại học lớn. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp này vẫn đang "nằm trong phòng thí nghiệm", chưa thể đưa ra quy mô sản xuất công nghiệp vì thiếu sự liên kết đa ngành và một lộ trình thương mại hóa rõ ràng.

Để chuyển đổi xanh thành công, cần một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ và đặc biệt là các cơ chế, chính sách từ Nhà nước. Dù vậy, "nút thắt" lớn được chỉ ra là khoảng cách giữa nghiên cứu và thương mại hóa.

Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp đề xuất cần có những nền tảng công nghệ (platform) chung, giúp họ dễ dàng đo lường và quản lý các chỉ số phát thải.

“Ở châu Âu đã có khái niệm ‘hộ chiếu sản phẩm dệt may’ (textile passport), cho phép tính toán lượng phát thải carbon trên từng sản phẩm. Chúng tôi hy vọng Việt Nam cũng sớm có những công cụ tương tự để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và đo lường. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được "mình đang ở đâu" trên bản đồ xanh, từ đó xây dựng lộ trình hành động cụ thể”, Phó Tổng Giám đốc Faslink kiến nghị.

Liên quan đến các chính sách, đại diện Duy Tân Recycling nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành các tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực từ đầu năm 2024 mới chỉ dừng ở việc yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm thu gom bao bì. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn bắt buộc về tỷ lệ tái chế trong sản phẩm, hay quy định cụ thể về nhựa tái chế dùng cho thực phẩm.

“Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm ban hành các tiêu chuẩn này, đồng thời có cơ chế về nhãn sinh thái. Ví dụ ở châu Âu, các sản phẩm được dán nhãn theo cấp độ tái chế và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có nhãn tốt nhất. Một khung chính sách rõ ràng sẽ tạo ra một sân chơi công bằng và thúc đẩy toàn ngành cùng phát triển,” ông Hiếu chia sẻ.

Robot thu gom rác dưới nước - Ảnh: Sài Gòn Xanh.

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm BSA, Chương trình HVNCLC – Chuẩn hội nhập phối hợp tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025, với sự đồng hành của Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycling). Sự kiện diễn ra vào ngày 31/7/2025 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), quy tụ gần 500 đại biểu từ các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trường đại học và cộng đồng khởi nghiệp. Trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường sẽ được trưng bày gồm các sản phẩm từ máy in 3D sử dụng nhựa tái chế, robot dọn rác dưới nước, đến các sản phẩm sinh học,…

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, đại diện câu lạc bộ Sài Gòn Xanh (nhóm các bạn trẻ hành động vì môi trường) cho biết sẽ mang đến ngày hội robot thu gom rác dưới nước. Robot này được sử dụng bằng năng lượng mặt trời và đã được nhóm triển khai thực nghiệm thu gom rác tại vùng kênh rạch ở quận 7 (cũ), TP.HCM.

“Giai đoạn đầu, khi triển khai thực hiện vẫn có một số khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhân rộng mô hình robot dọn rác dưới nước này tại vùng kênh rạch ở TP.HCM và có thể thay thế cho con người trong tương lai”, chị Quỳnh chia sẻ.