Một chiều trong ngôi nhà Đại tướng

13:56, 25/08/2021

Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu nằm cách không xa Quảng trường Ba Đình. Vẫn những hàng cây xanh rì tán lá, nhưng cảm thấy khu vườn như rộng hơn. Cảnh cũ còn đây, người hiền mãi mãi khuất bóng rồi…

LTS: Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về một chiều tới thăm ngôi nhà Đại tướng. Và những chi tiết xúc động trong đời thường bình dị của vị tướng của lòng dân, vị tướng của hoà bình như được tái hiện…          

Hà Nội và đất nước đã vắng bóng một con người vĩ đại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng lừng danh, trí dũng song toàn, một nhà văn hóa, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, gần gũi máu thịt với nhân dân.

Trong cuộc đời công tác của mình, tôi may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu nằm cách không xa Quảng trường Ba Đình. Một chiến sĩ cảnh vệ, trang phục chỉnh tề ra mở cổng. Những bình hoa cúc đại đóa vàng rực được xếp dọc lối vào. Vẫn những hàng cây xanh rì tán lá, nhưng cảm thấy khu vườn như rộng hơn. Cảnh cũ còn đây, người hiền mãi mãi khuất bóng rồi…

Vợ chồng anh Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng và hai chị gái là Võ Hòa Bình và Võ Hạnh Phúc đón chúng tôi trên bậc thềm trước cửa phòng đặt bàn thờ.

Căn phòng này trước đây là phòng khách, cũng là nơi Đại tướng và phu nhân thường ngồi đọc sách, nghe đài, nghe nhạc. Tiếng dương cầm như còn vọng đâu đây.

Một chiều trong ngôi nhà Đại tướng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng biên tập Hồ Quang Lợi và các cán bộ, phóng viên báo Hà Nội mới ngày 7/5/2009. Ảnh: Tiến Thành

Cũng tại căn phòng này, ngày 7/5/2009, lần cuối cùng, tôi và các cán bộ, phóng viên báo Hà Nội mới vinh dự được Đại tướng tiếp nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ở tuổi 99, sức đã yếu đi nhiều so với vài năm trước, nhưng hôm đó Đại tướng rất vui. Người ân cần căn dặn chúng tôi: Tờ báo Hà Nội mới có vị trí, vai trò quan trọng, phải có tiếng nói đúng đắn, trung thực, làm sáng tỏ chân lý, bảo vệ chân lý. Phải nêu cái đúng, cái tốt để toàn dân làm theo. Tinh thần chiến đấu, đạo đức người làm báo, đó là điều quan trọng nhất. Thăng Long- Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi là cột mốc lịch sử trọng đại, ý nghĩa sâu sắc, niềm tự hào to lớn. Tờ báo của Thủ đô cần có nhiều bài viết thật hay về sự kiện này; cần cổ vũ, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần cao quý của dân tộc ta.

Bình dị, đơn sơ quá đỗi

Từ phòng thờ, chúng tôi được mời vào căn phòng phía trong ngôi nhà biệt thự. Gia đình Đại tướng được chuyển về sống tại đây từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954). Bên kia đường Hoàng Diệu là Tổng hành dinh - nơi suốt ngày đêm, Đại tướng Tổng tư lệnh điều hành cuộc chiến đấu tại các mặt trận cho đến ngày toàn thắng.

Vợ chồng anh Biên, chị Bình, chị Phúc tiếp chúng tôi thật thân tình. Bên tách trà nóng, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu về làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - quê mẹ của giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng. Bác Hà là con gái nhà đại trí thức, nhà văn hóa lớn Đặng Thai Mai, là cháu ngoại văn nhân lừng danh Hồ Phi Thống, người làng Quỳnh Đôi, tác giả cuốn sách nổi tiếng Nhân đạo quyền hành xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20.

Ngày trước, ở làng Quỳnh Đôi, ngôi nhà của văn nhân Hồ Phi Thống chỉ cách nhà tôi một thửa ruộng. Giáo sư Đặng Bích Hà có người em gái là nhà văn Đặng Thị Hạnh - tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng “Cô gái nhìn mưa” được tặng giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cách đây mấy năm.

Trong tác phẩm đó, nhà văn Đặng Thị Hạnh đã viết những dòng tuyệt bút về làng Quỳnh Đôi, về cái giếng Bà Cả nước trong vắt bốn mùa, nơi cả làng tôi bao đời lấy nước uống, vậy mà tiếc thay, gần đây người ta đã lấp gần hết cái giếng khơi quý giá đó. Mỗi lần gặp tôi, bác Hà đều thân mật: “Chào anh đồng hương” và cùng tôi gợi nhớ lại những kỷ niệm về làng Quỳnh yêu dấu…

Một chiều trong ngôi nhà Đại tướng
Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu

Tôi ngắm nhìn căn phòng. Tường và trần nhà quét vôi đã từ nhiều năm trước, thấy rõ dấu ấn thời gian qua các lớp vôi chồng lên nhau. Thấy tôi nhìn chỗ tường và trần bị ố một mảng lớn, anh Võ Điện Biên giải thích là do ống nước bị rò rỉ. Lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả khi thấy mọi vật dụng trong ngôi nhà đều bình dị, đơn sơ quá đỗi.

Chỉ chiếc ghế ở đầu bàn, anh Võ Điện Biên nói: “Đây là chỗ ba tôi ngồi ăn cơm hàng ngày cùng gia đình”. Chiếc ghế đó, giống như những chiếc khác, có phần đã cũ sờn.

Tôi được biết câu chuyện một nữ nhà báo, sau khi đến thăm nhà Đại tướng, đã về nói với con gái mình: “Những đồ dùng trong nhà bác Giáp đơn sơ quá, nghĩ đến những dùng đồ đắt tiền mà nhà mình đang dùng, bỗng dưng mẹ cảm thấy ngượng con ạ”. Những mẩu chuyện mà chị Phúc, chị Bình, anh Biên kể lại giúp tôi thấu hiểu hơn một con người bình dị mà vĩ đại. Bản lĩnh, trí tuệ, phong thái của Đại tướng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, tất cả đều vì đất nước và nhân dân.

Ba đồ dùng 'bất ly thân'

Cũng qua câu chuyện của các anh chị mà tôi mới được biết điều mà có tờ báo viết “nếu sau này có việc gì thì mình vẫn còn nghề dạy học và dịch sách” là lời của bác Hà chứ không phải lời của Đại tướng. Đau đáu vì việc quân, việc nước bao nhiêu thì Đại tướng lại thanh thản, nhẹ nhàng về việc riêng bấy nhiêu. “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”, Đại tướng đã từng nói như vậy khi được các thành viên Chính phủ đến chúc mừng nhân dịp tròn 100 tuổi.

Chiều muộn, nắng nhạt, chị Võ Hòa Bình dẫn tôi ra vườn, men theo những lối nhỏ mà hàng ngày Đại tướng vẫn đi dạo sau những giờ làm việc. Tôi hình dung ra dáng Người, tóc bạc như mây, khoan thai tản bộ dưới những vòm lá xanh rì, tưới cây, chăm chút cho những giò phong lan - loài hoa mà Đại tướng thích nhất. Các cột của giàn hoa phong lan được hàn nối bằng hàng chục vỏ đạn đại bác 155 ly, dưới giàn hoa là một bể cá, nơi hàng ngày Đại tướng vẫn cho cá ăn.

Chỉ bộ bàn ghế đá nhỏ trước bể cá, chị Bình cho tôi biết, ngày 5/7/1967, trước ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, theo sự phân công của Bộ Chính trị, vào chỉ đạo chiến trường miền Nam, hai người cầm quân đã trải tấm bản đồ chiến sự lên bàn đá này để bàn bạc. Nào ngờ, đó cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Ngày hôm sau, 6/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột ra đi mãi mãi do một cơn đau tim nặng, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho toàn quân, toàn dân ta.

Bên một gốc cây to, chị Bình nói: “Phía dưới này là căn hầm, nơi ba tôi được báo cáo chiếc máy bay B52 đầu tiên đã bị bắn rơi ở Đông Anh ngay trong đêm 18, đêm đầu tiên của 12 ngày đêm lịch sử tháng 12/1972”.

Chúng tôi đi vòng qua phía nhà bếp, mọi vật dụng đều không có gì khác lắm các gia đình công chức bình thường ở Hà Nội những năm bao cấp. “Những món ăn mà ba tôi thích là cá tràu kho kỹ, canh rau, dưa cải, thịt luộc chấm mắm tép”, chị Bình cho biết. Hàng ngày Đại tướng thường dậy sớm, vừa tập thể dục vừa nghe đài để nắm tin tức.

“Có 3 đồ dùng 'bất ly thân' với ba tôi là kính, bút, đồng hồ”, chị Phúc tiếp lời. Người nhắc nhở các con cháu là phải rèn chữ viết cho đẹp và nên viết thư cho người thân khi đi xa, ngắn cũng được, nhưng phải viết bằng bút. Những năm tháng chiến tranh, dù rất bận, nhưng Đại tướng vẫn thường xuyên viết thư cho các con đi học xa. Mỗi lần đi công tác, hoặc đi nghỉ, Đại tướng thường mang theo cả một hòm sách.

“Anh có biết quyển sách gì mà lúc nào ba tôi cũng mang theo trong cặp không?”, chị Phúc hỏi. Tôi đang cố đoán thì chị nói: “Truyện Kiều! Truyện Kiều của Nguyễn Du!”.     

Ánh sáng diệu kỳ

Chị Bình dẫn tôi vào căn nhà làm việc, nơi tôi và các đồng đội, đồng nghiệp đã được Đại tướng tiếp nhiều lần. Tất cả hiện về như trong một cuốn phim quay chậm, trong đó sâu đậm nhất là lần chúng tôi đến chúc thọ Đại tướng vào năm 2001.

Tuổi cao như vậy mà Đại tướng mỗi ngày tiếp hàng chục đoàn khách, trí tuệ minh mẫn lạ thường. Không ai hy vọng bày tỏ được gì nhiều, nhưng hình như đối với nhiều người, được gặp Đại tướng, được nghe giọng nói ấm áp của ông, được nắm tay ông là một ước muốn sâu xa. Năm tháng qua đi, thời cuộc đổi thay, thế sự ngổn ngang, bao chuyện đau lòng, nhưng trong lòng nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn cao đẹp, gần gũi và thân thương như một giá trị vĩnh hằng.  

Trong căn nhà làm việc này có rất nhiều bức ảnh, bức tượng, kỷ vật, bức trướng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế bày tỏ tình cảm, lòng ngưỡng mộ, khâm phục đối với Đại tướng. Câu đối trác tuyệt của Giáo sư Vũ Khiêu đã khắc tạc sự nghiệp lẫy lừng, vinh hiển của Đại tướng: Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm.

Tôi ngắm một bức chân dung Đại tướng cỡ lớn phía dưới có chữ ký của Người. Đó là bức ảnh chụp tại Nhà hát lớn đêm 20/5/2005 lúc Đại tướng đứng nói chuyện suốt gần một giờ với 1.000 anh hùng, dũng sĩ, cựu chiến binh tiêu biểu tham gia cuộc hành quân xuyên Việt “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành” mà tôi được giao nhiệm vụ phó chỉ huy nhân dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước.

Trước khi bước ra đường Hoàng Diệu, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà, nơi người anh hùng dân tộc - một trong danh tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại đã sống. Ngôi nhà này, cùng với thời gian, sẽ là một địa chỉ đỏ có sức cuốn hút đặc biệt để giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước.

Cuộc đời và sự nghiệp vinh quang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lan tỏa ánh sáng diệu kỳ - ánh sáng từ bản lĩnh, trí tuệ, dũng khí, cốt cách, tài năng kiệt xuất của một con người trọn đời vì nước vì dân, sống mãi trong lòng dân.        

Hồ Quang Lợi (Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) 

Theo vietnamnet.vn