Một năm 'đại nạn' của giới công nghệ Trung Quốc
Không những trực tiếp hứng chịu “đại nạn” Covid-19, mà các đại gia công nghệ Trung Quốc trong năm 2020 còn phải liên tiếp trở thành nạn nhân của các cuộc chiến thương mại cũng như chính trị giữa các quốc gia như Ấn Độ hoặc Mỹ.
Vào tháng 5 năm ngoái, câu chuyện về lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei dường như chỉ mới trực tiếp ảnh hưởng tới hãng này cũng như người dùng của họ. Vào tháng 11 năm nay, các hạn chế thương mại của Mỹ đã mở rộng tới hơn 37 công ty lớn của Trung Quốc, trong đó phần lớn là các công ty liên quan tới lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các đại gia như China Telecom, China Mobile, Hikvision, ByteDance (TikTok), China Aerospace Science and Technology, SMIC, Huawei...
Khi đang phải đau đầu xoay sở với bản danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ, giới công nghệ Trung Quốc tiếp tục nhận tin dữ từ xung đột biên giới vào cuối năm 2020 khiến Ấn Độ thẳng tay chặn hàng loạt ứng dụng Trung Quốc tại thị trường này, khiến nhiều nhà đầu tư lớn của Trung Quốc “trắng tay”, trong đó có ByteDance, Alibaba… những công ty đã rót không ít tiền của vào thị trường internet tỉ dân đầy tiềm năng này.
Khó khăn bủa vây…
Bản chất sâu xa của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Ấn Độ - Trung Quốc phần lớn xuất phát từ chính trị nhiều hơn là kinh tế. Trong đó, Huawei là một ví dụ điển hình cho “con tin chính trị” khi Mỹ sử dụng lệnh trừng phạt Huawei với mục đích kép: Kìm hãm công nghệ 5G của hãng này (cũng như Trung Quốc nói chung) và ngăn chặn nguy cơ gián điệp có thể hiện hữu từ công ty của một cựu quân nhân Trung Quốc lập ra. Không những vậy, dựa trên các vi phạm mà Mỹ cáo buộc Huawei, họ tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt nhắm vào hàng loạt công ty lớn khác của Trung Quốc, qua đó kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế lẫn khoa học công nghệ của cường quốc này.
Công nghệ 5G đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Về phần Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc, họ gần như mất dần lợi thế phát triển trước đó khi liên tiếp bị Mỹ ngăn chặn chuỗi cung ứng lẫn các kênh tiếp cận về chuyển giao công nghệ, khiến họ phải loay hoay tìm giải pháp thay thế. Huawei là một ví dụ điển hình, sau khi bị mất giấy phép Google và bị cấm giao dịch với các công ty lớn như Intel, Qualcomm, Microsoft, ARM… hãng Trung Quốc này gần như tê liệt dù vẫn cố gắng ra mắt loạt flagship di động Mate 30 Pro, P40 Pro hay gần đây là Mate 40 Pro. Trọng tâm phát triển của Huawei là 5G cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các quốc gia từng chấp thuận họ liên tiếp quay lưng dưới áp lực của Mỹ, trong đó có Anh và Thụy Điển, khiến các hợp đồng đấu thầu 5G của họ bị các đối thủ Tây Âu như Nokia hay Ericsson thay nhau giành lấy.
Cũng chịu áp lực không kém là TikTok, một ứng dụng mạng xã hội video ngắn của Bytedace vốn đang dần phổ biến ở Mỹ và nhiều quốc gia nhưng rồi đột ngột bị Mỹ đưa vào danh sách phải thoái vốn tại Mỹ do “lo ngại an ninh quốc gia”. Chưa hết, TikTok cũng bị cấm tại Ấn Độ cùng 58 ứng dụng di động khác của Trung Quốc sau khi xảy ra xung đột biên giới giữa hai quốc gia khiến nhiều binh lính Ấn Độ thiệt mạng.
Bản danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục nối dài khi mới đây Semiconductor Manfuacturing International Corporation (SMIC) - tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc vốn đang ăn nên làm ra - bị đưa vào danh sách đen thương mại, khiến đồng CEO của công ty này lên tiếng muốn từ chức, cổ phiếu công ty cũng lập tức tụt dốc.
Không chỉ ứng phó với những "tin dữ" từ bên ngoài, một số đại gia công nghệ của Trung Quốc còn phải tiếp tục đối mặt với chính sách quản lý khắt khe của chính phủ nước này.
Bản thân người tiêu dùng Trung Quốc cũng không quá trung thành với sản phẩm nội địa
Trong đó, nạn nhân mới nhất là Alibaba của Jack Ma, sau khi thương vụ IPO trị giá 35 tỉ USD của Ant Group - một công ty thuộc Alibaba, bị giới quản lý Trung Quốc tuýt còi. Có thông tin nói rằng, trước đó Jack Ma tình nguyện “hiến” một phần Ant Group cho chính phủ nhưng vẫn không thoát khỏi lệnh ngăn chặn IPO này. Với giới chức Trung Quốc, Alibaba chỉ là một trường hợp mà họ cần “nắn gân” để làm gương, kể cả đó là thương vụ IPO bạc tỉ.
Ban đầu, người dùng Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm ủng hộ Huawei và các nhãn hàng nội địa, nhưng khi cuộc chiến kéo dài thì sự ủng hộ dần phai nhạt do họ quá mệt mỏi khi phải sử dụng sản phẩm không thực sự ưa chuộng. Do đó người dùng Trung Quốc có xu hướng muốn quay lại với iPhone, iPad và các mặt hàng tiêu dùng mà họ từng quen thuộc trước đó, bất chấp xuất xứ.
Hậu quả nhãn tiền…
Dưới áp lực của bản danh sách đen mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, nhiều đối tác gia công của các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft, Google, Amazon… đã lần lượt tìm đường chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia “an toàn” khác, trong đó có Việt Nam. Cuối năm ngoái, Google đã chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel sang Việt Nam và gần đây nhất là dây chuyền sản xuất MacBook và iPad của Foxconn đã được xác nhận sẽ chuyển một phần sang Việt Nam, một cuộc “tháo chạy” được dự báo từ trước khi mà những bất ổn và rủi ro tại thị trường Trung Quốc là quá cao, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như chi phí nhân công tăng cao và điều kiện sinh hoạt nghèo nàn.
Foxconn sẽ chuyển một phần của dây chuyền sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam
Bên cạnh đó, khác với các lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc của Ấn Độ, các lệnh cấm của Mỹ không chỉ dừng lại ở một ứng dụng hay công nghệ cụ thể, nó được mở rộng sang cả các sáng chế công nghệ và dây chuyền “có nguồn gốc Mỹ” như trường hợp của ARM, khiến Huawei không thể lấy giấy phép ARM để tiếp tục phát triển chip Hi-Silicon sau moden chip Kirin 990, cũng không thể sử dụng dịch vụ Google hay giấy phép Windows… những thứ không thể thiếu với phần lớn người tiêu dùng “ngoài thị trường Trung Quốc”. Nói cách khác, các lệnh cấm của Mỹ đã gần như “chặt đứt” cánh tay của Huawei khi muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Hậu quả của các lệnh cấm từ Mỹ và Ấn Độ sâu xa hơn nhiều người nghĩ, bởi sau sự lao đao của Huawei, ZTE, HikVision, Bitdance, SMIC… thì giới đầu tư quốc tế (và cả từ Trung Quốc) đã phải hoạch định lại đồng tiền và suy nghĩ của họ trước khi rót vốn vào các công ty này và các công ty Trung Quốc khác (dù còn chưa nằm trong danh sách đen). Qua đó, kiềm chế sự đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho các đại gia công nghệ Trung Quốc.
Sự tụt hậu đó còn lan sang cả người tiêu dùng, theo thống kê của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, kể từ sau lệnh cấm của Mỹ, các smartphone Huawei dần vắng bóng trên các kênh bán lẻ (tại Việt Nam và nhiều quốc gia) và cả trong thói quen/sở thích mua sẵm của người tiêu dùng, kể cả những flagship mới nhất. Tâm lý đó thậm chí còn lan sang một số thương hiệu khác của Trung Quốc dù họ hiện không/chưa nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ.
Khi liên tiếp hứng chịu các tổn thất cả trong lẫn ngoài, từ những lý do khách quan như dịch bệnh Covid-19 cho đến cả hậu quả từ các tranh chấp thương mại/chính trị và những rào cản trong nước, các đại gia công nghệ Trung Quốc đã có một năm 2020 đáng quên dù cũng gặt hái được không ít thành tựu. Giờ đây, tên tuổi họ gắn liền với rủi ro nhiều hơn là tiềm năng, chính là rào cản lớn nhất mà họ phải xóa bỏ và vượt qua trong năm 2021, bên cạnh niềm tin đang dần bị xói mòn của chính họ.
Châu Anh (T/h)