Mỹ phải tiêu tốn hơn 1,8 tỷ USD để “loại bỏ” Huawei và ZTE
Để loại bỏ và thay thế hoàn toàn linh kiện, thiết bị của hai hãng viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE ra khỏi các nhà mạng tại Mỹ, chính phủ nước này có thể sẽ phải tốn số tiền hơn 1,8 tỷ USD.
Vào tháng 6 vừa qua, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) chính thức xem Huawei và ZTE là mối rủi ro đối với an ninh quốc gia, cấm các hãng viễn thông tại Mỹ sử dụng trợ cấp của liên bang để mua các thiết bị của hai hãng này trong tương lai.
Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng muốn nhanh chóng loại bỏ và thay thế linh kiện, thiết bị của Huawei và ZTE mà các nhà mạng tại Mỹ đang sử dụng để loại bỏ hoàn toàn “các mối đe dọa”.
Theo một đại diện của FCC, chính phủ Mỹ xem việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE cho các hệ thống mạng 3G và 4G cũ trước đây cũng nguy hiểm tương tự như khi sử dụng thiết bị của hai hãng này để triển khai mạng 5G trong tương lai. Do vậy FCC cần phải đảm bảo rằng không có rủi ro bảo mật nào trong các nhà cung cấp mạng viễn thông hiện tại ở Mỹ.
Chính phủ Mỹ phải hỗ trợ các nhà mạng một số tiền không hề nhỏ để thay thế và loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE ra khỏi hệ thống
Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi các nhà mạng tại Mỹ sẽ tiêu tốn một chi phí rất lớn, đặc biệt đối với các nhà mạng quy mô nhỏ.
Theo một báo cáo vừa được công bố của FCC, việc loại bỏ các thiết bị viễn thông của Trung Quốc sẽ khiến các nhà mạng quy mô nhỏ tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ USD. Đây là một số tiền rất lớn mà nhiều nhà mạng nhỏ không đủ chi phí để thay thế các thiết bị này, thậm chí số tiền để thay thế còn cao hơn nhiều so với giá tiền linh kiện ban đầu.
Chẳng hạn như trường hợp của nhà mạng Eastern Oregon Telecom (một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhỏ tại bang Oregon), để thay thế các thiết bị của Huawei có trị giá 500.000 USD mà họ đang sử dụng, nhà mạng này sẽ phải tiêu tốn số tiền lên đến 1,5 triệu USD, một mức chi phí vượt quá khả năng của nhà mạng này.
Báo cáo vừa công bố của FCC cho biết nhiều nhà mạng quy mô nhỏ cũng đang gặp phải khó khăn tương tự như Eastern Oregon Telecom nếu muốn loại bỏ và thay thế thiết bị của Huawei hoặc ZTE. Theo Hiệp hội các nhà mạng nhỏ tại Mỹ thì ước tính 1/4 trong số 50 các nhà mạng nhỏ tại Mỹ vẫn đang sử dụng các thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp.
Mặc dù đã thiết lập một quy trình để hỗ trợ các nhà mạng có thể thay thế linh kiện của Huawei và ZTE, đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa trích tiền để hỗ trợ cho việc thay thế. Chủ tịch FCC Ajit Pai đã kêu gọi Quốc hội Mỹ có hành động nhanh chóng để phân bổ kinh phí cần thiết hỗ trợ các nhà mạng.
“Bằng cách xác định sự hiện diện của các thiết bị và dịch vụ không an toàn trong hệ thống mạng của chúng ta, giờ đây, chúng ta cần phải làm việc để đảm bảo hệ thống mạng, đặc biệt các nhà cung cấp dịch vụ mạng nhỏ và ở vùng nông thôn, có thể sử dụng cơ sở hạ tầng từ các nhà cung cấp tin cậy”, Ajit Pai cho biết. “Tôi kêu gọi Quốc hội tài trợ thích đáng để hỗ trợ cho các nhà mạng thay thế bất kỳ thiết bị hoặc dịch vụ nào được xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Hiện 4 nhà mạng lớn nhất tại Mỹ là Verizon, AT&T, T-Mobile và Sprint đều không sử dụng các thiết bị và linh kiện của Huawei hoặc ZTE trong hệ thống mạng của mình, nhưng đại diện FCC khẳng định chỉ cần một nhà mạng tại Mỹ vẫn đang sử dụng thiết bị của hai hãng này, nghĩa là vẫn tồn tại các vấn đề về an ninh cho toàn quốc gia. Mục đích cuối cùng của FCC đó là sẽ loại bỏ toàn bộ các linh kiện, thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE mà các nhà mạng tại Mỹ sử dụng, tuy nhiên để thực hiện điều này chính phủ Mỹ sẽ phải chấp nhận tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ.
Châu Anh (Theo RT/FCC)