Nâng tầm sản phẩm OCOP với quy trình quản lý theo chuỗi giá trị khép kín
Trong bối cảnh nông sản Việt đang đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mô hình sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị khép kín đang cho thấy ưu thế vượt trội, không chỉ nâng tầm thương hiệu địa phương, mà còn mở lối ra các thị trường lớn.
Khép kín chuỗi giá trị – nền tảng phát triển bền vững
Một sản phẩm OCOP muốn vươn xa không thể chỉ dựa vào mẫu mã hay quảng bá, mà cần xây dựng từ vùng nguyên liệu ổn định, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…, kết hợp chế biến sạch, đóng gói hiện đại và phân phối minh bạch.
Việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để nâng tầm sản phẩm OCOP. Thay vì dừng lại ở khâu sản xuất nguyên liệu thô, chuỗi khép kín giúp nâng cao giá trị gia tăng thông qua sơ chế, chế biến, đóng gói và xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, sản phẩm đến tay người tiêu dùng không chỉ ngon, sạch mà còn có “câu chuyện” riêng để cạnh tranh trên thị trường.
Cải xanh hữu cơ Tiên Yên (Quảng Ninh) – nông sản luôn “cháy hàng” tại hội chợ OCOP
Chuỗi giá trị khép kín không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, yếu tố ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm. Khi biết chính xác sản phẩm được nuôi trồng ở đâu, theo quy trình nào, người tiêu dùng có thêm cơ sở để đặt niềm tin, từ đó hình thành thói quen tiêu dùng bền vững.
Không dừng lại ở đó, việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến phân phối còn giúp hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái là những “lỗ hổng” từng khiến nông sản Việt đánh mất thị trường. Mỗi công đoạn trong chuỗi sản xuất được giám sát đồng bộ sẽ tạo ra một lớp bảo vệ vững chắc cho thương hiệu OCOP.
Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình này giúp giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí trung gian và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nhờ vậy, người nông dân là đối tượng trung tâm của chương trình có thể tăng thu nhập, đồng thời đưa sản phẩm đến các kênh phân phối hiện đại với giá trị cao hơn.
Đặc biệt, những vùng nguyên liệu được đầu tư bài bản, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... không chỉ phục vụ sản xuất, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch. Khi nông sản gắn liền với không gian văn hóa – sinh thái bản địa, giá trị của sản phẩm không chỉ nằm ở chất lượng, mà còn ở trải nghiệm mà nó mang lại.
Những điểm nghẽn trong chuỗi khép kín OCOP hiện nay
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải địa phương nào cũng xây dựng được một chuỗi OCOP hoàn chỉnh. Nhiều nơi vẫn chưa quy hoạch rõ ràng vùng nguyên liệu gắn với từng sản phẩm cụ thể. Việc thu mua nguyên liệu còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khiến chất lượng đầu vào không ổn định, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị.
Ở khâu chế biến, công nghệ còn lạc hậu là một rào cản lớn. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn ở dạng thô sơ, thời gian bảo quản ngắn, chưa có giá trị gia tăng rõ rệt. Điều này khiến sản phẩm khó cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường hiện đại và xuất khẩu. Bên cạnh đó, bao bì và nhãn mác của nhiều sản phẩm vẫn sơ sài, thiếu thông tin bắt buộc theo quy định. Sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu thiết kế, ghi nhãn không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của chương trình OCOP.
Truy xuất nguồn gốc, một yêu cầu tất yếu của thị trường, ở một số nơi vẫn mang tính hình thức. Việc dán tem QR chỉ để đối phó, thiếu dữ liệu số hóa, không bảo đảm tính minh bạch khiến người tiêu dùng khó lòng đặt niềm tin. Đáng chú ý, mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều nơi chưa hình thành được hợp đồng ràng buộc, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả, khiến chuỗi sản xuất dễ bị đứt gãy.
Chính những rào cản này khiến không ít sản phẩm OCOP chỉ dừng lại ở quy mô địa phương, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc gia, càng khó tiếp cận thị trường quốc tế. Để OCOP thực sự trở thành động lực phát triển nông thôn bền vững, cần tháo gỡ những nút thắt này một cách quyết liệt và đồng bộ.
Quảng Ninh: Gắn chuỗi giá trị với vùng nguyên liệu chất lượng cao
Tại Quảng Ninh, việc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ Chương trình OCOP đã được triển khai một cách bài bản, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và chuỗi cung ứng đồng bộ. Tính đến tháng 6/2025, tỉnh đã phát triển 17 vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch, tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất và chế biến sản phẩm đặc trưng.
Quảng Ninh phát triển sàn TMĐT chuyên biệt cho sản phẩm OCOP
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều loại nông sản chủ lực như nếp cái hoa vàng, cam, ổi, quế, trà hoa vàng… đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngành chăn nuôi cũng ghi nhận nhiều mô hình bảo đảm an toàn dịch bệnh, VietGAP với những đặc sản nổi bật như gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, bò Ba Chẽ. Đối với thủy sản, khu vực Vân Đồn được xem là trung tâm với các sản phẩm như mực, tôm, hàu… được sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm của Quảng Ninh trong việc xây dựng chuỗi giá trị OCOP vững chắc, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, GMP, đầu tư dây chuyền chế biến, thiết kế bao bì chuyên nghiệp và ứng dụng mã QR-code để truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ có mặt tại các hội chợ trong và ngoài nước, mà còn được bán trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso và hiện diện tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Hành trình “từ vùng nguyên liệu đến bàn ăn” của sản phẩm OCOP không đơn thuần là một quy trình kỹ thuật, mà là một chiến lược phát triển kinh tế nông thôn toàn diện và bền vững. Khi sản phẩm OCOP đi theo một chuỗi giá trị khép kín, minh bạch và chuyên nghiệp, nó không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.