Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn đang “đóng băng”?

05:28, 28/08/2009

Từng được đánh giá là quốc gia hấp dẫn với ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn tương lai, nhất là đóng gói IC (vi mạch điện tử) và lắp ráp thiết bị, nhưng hiện nay Việt Nam lại đang tỏ ra chậm trễ, chưa thực sự tận dụng được cơ hội vàng của mình. Đó là nhận định của tạp chí khá nổi tiếng EE Times.

Thực trạng
 
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan trở lại, dường như Việt Nam đã không tân dụng được những cơ hội trước đây. Hiện quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á vẫn chưa có những bước đi đột phá trên con đường cụ thể hóa giấc mơ trở thành một quốc gia sản xuất IC hùng mạnh.
 
Như một bài viết trước đây đã đề cập trên EE Times, tập đoàn sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới Intel Corp đã tạm hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy đóng gói IC ở đây. Ngoài ra, V-Caps, vốn cũng có một dự án sản xuất hậu kì cũng đã tạm ngưng kế hoạch. Một số liên doanh đa quốc gia từng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, cũng đang tìm cách “hoãn binh”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có  bất kì một nhà máy bán dẫn tiền kì nào. Gia nhập vào cuộc đua để trở thành một trong những quốc gia sản xuất thiết bị máy tính hàng đầu, lợi thế của Việt Nam là chi phí đóng gói và lắp ráp ở mức thấp. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ nhân lực có tay nghề cao ở nước này vẫn còn ít. Intel và V-Caps mới chỉ là những đối tác đầu tiên tiếp xúc và lên một số dự án sản xuất chip ở Việt Nam.

Mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn, kinh tế Việt Nam giảm sút, nhưng nước này vẫn đang có những lộ trình hứa hẹn, trong cuộc đua của ngành công nghiệp bán dẫn. Theo báo cáo công bố năm trước của Frost & Sullivan thì: “Chính phủ dành khá nhiều ưu tiên với một lộ trình rõ ràng cho ngành này. Họ cũng đang hướng với việc thiết lập một nền công nghiệp bán dẫn đầy tiềm năng, nhằm thúc đẩy lượng sản phẩm xuất khẩu. Người Việt Nam tin rằng bất kể họ là những người tham dự vào bữa tiệc muộn màng, nhưng đất nước của họ sẽ sớm thăng hoa, đủ sức tạo ra sức ép cạnh tranh với một số tên tuổi lớn khác của châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.”

Tuy thế, một chuyên gia phân tích khác lại cho rằng: “Ngành công nghiệp đóng gói IC gần như đã có thể phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng nó đã bị trì hoãn ít nhất là một vài năm. Tôi dám chắc rằng, Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược sản xuất của Intel trong nay mai. Ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ thắc mắc đôi chút là khi nào chúng sẽ thành hiện thực, với sự xuất hiện của các nhà máy gia công thiết bị. Một khi đã được triển khai, tôi cho rằng sẽ có hàng loạt dự án kế tiếp xuất hiện. Tôi từng nhận thấy, trước khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, ít nhất phải đến một tá các nhà sản xuất thiết bị tích hợp IDM cỡ bự đã chọn Việt Nam làm địa điểm để mở rộng tiềm lực sản xuất”

Khó khăn và thuận lợi

Có thể nay mai, khi cuộc suy thoái toàn cầu tạm qua khỏi, vẫn chưa dám chắc liệu các nhà sản xuất ngoại quốc có tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nữa hay không. Bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay có thể khiến các kế hoạch và đề xuất đầu tư trước đây bị ảnh hưởng, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Vậy còn lộ trình dài thì sao? Vẫn chưa thể dự đoán được câu trả lời, nhưng rất khó cho Việt Nam có thể nhanh chóng nổi đình nổi đám trên trường quốc tế với tư cách một quốc gia hùng mạnh về đóng gói sản phẩm bán dẫn.

Ngoài Việt Nam, hàng loạt thị trường mới nổi khác cũng đang ra sức nỗ lực để cạnh tranh, tìm chỗ đứng nhằm thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong suốt nhiều chu kì tăng trưởng khác nhau, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Nga, Thái Lan và một số quốc gia khác đều luôn muốn được dự phần vào ngành công nghiệp bán dẫn hứa hẹn, với hi vọng tạo ra được hàng loạt cơ hội việc làm cho người dân.

Tất nhiên, trên lí thuyết là vậy. Thực tế bao giờ cũng khó đoán. Một số trở ngại từ hàng rào thuế quan và chi phí sản xuất vẫn còn cao ngất. Các chuyên gia đánh giá rằng, có lẽ đã quá muộn cho một số quốc gia mới trên gia nhập cuộc chơi. Tương lai thực sự có thể sẽ là mảng thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia trong lĩnh vực này ở mỗi nước là không giống nhau và cơ hội sẽ chỉ dành cho những nước nào đã thực sự sẵn sàng.

Không thiếu các điển hình từng thất bại cũng như hàng loạt khó khăn đối với ngành sản xuất bán dẫn. Chẳng hạn, Brazil đã từng cố xây dựng một fab nghiên cứu và phát triển cỡ nhỏ, nhưng đã bị gián đoạn. Ấn Độ, quốc gia hùng mạnh về gia công phần mềm cũng không sáng sủa hơn khi cũng từng thất bại trong nỗ lực xây dựng các fab bán dẫn. Trước đây, hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp ở Ấn Độ mới nổi khẳng định họ sẽ xây dựng được những fab cỡ bự. Ngày nay, người Ấn Độ vẫn đang phải tiếp tục ngắm nhìn những công trình dang dở, gần như hết hi vọng được tham dự lễ khánh thành những fab hiện đại, khổng lồ. Đơn giản là người Ấn đã không lường trước được mức độ phức tạp và hàng loạt chi phí đắt đỏ phát sinh khi xây dựng những fab mới.

Không giống Brazil, Ấn Độ và một số quốc gia khác, Việt Nam nắm trong tay một lợi thế khá quan trọng đó là Intel đã đầu tư vào đây từ lâu và đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thực hiện dự án đến cùng. Tuy nhiên, tin xấu với quốc gia này là hoạt động thiết kế vi mạch vẫn còn khá nhỏ lẻ, nếu so với “đại gia” Trung Quốc, Ấn Độ vv...Hiện ở Việt Nam mới chỉ có một vài tên tuổi đáng kể là hãng sản xuất chip Renesas Technology Corp, một số hãng thiết kế vi mạch thứ cấp.

Thêm một điểm đáng lưu  ý nữa đối với Việt Nam. Trước hết, tin vui với quốc gia này và có thể là cả các đối tác khi năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO. Giá lao động thấp tạo sức hút đáng kể với các nhà sản xuất “thời vụ” trên toàn cầu để có thể thiết lập hoạt động ở đây. Năm 2007, “ông lớn” của làng sản xuất thiết bị đến từ Đài Loan Foxconn đã mở cửa nhà máy ở phía Bắc Việt Nam. Đây là bước đi đầu tiên của hãng này trong một lộ trình dài hơi mà các quan chức cấp cao của Foxconn khẳng định sẽ trị giá hàng tỉ USD trong một vài năm tới.

Thị trường Việt Nam cũng khá hấp dẫn. Lượng tiêu dùng IC ở quốc gia này có thể lên tới 1,8 tỉ USD trong năm 2011. Theo đánh giá của Frost & Sullivan, công ty đã đưa ra con số dự đoán trên thì “Một số nước như Indonesia và Việt Nam đang sốt với các sản phẩm điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng.”.

Tuy thế, do suy thoái kinh tế,  mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn nhiều. Năm vừa rồi, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam chỉ đón nhận được khoảng 10 tỉ USD từ khoản đầu tư FDI, giảm tới 81,2 % so với năm ngoái. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay được dự đoán là chỉ vào khoảng 5-5,2 %.

Tiếp tục chậm trễ

Vẫn còn một câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể trở thành một địa điểm lí tưởng trong ngành lắp ráp vi mạch hay không? Theo đánh giá của Frost & Sullivan thì “Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “khởi nghiệp” với ngành công nghiệp hấp dẫn này. Một số chính sách gần đây của chính phủ như hỗ trợ thuế quan, phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh để giúp cho nước này có thêm cơ hội sản xuất chip và máy tính. Việt Nam vẫn đang hướng về một tương lai sáng sủa”. 

Một số chuyên gia khác cho rằng thời gian là những gì Việt Nam đang cần. Rất có thể đó sẽ là cả một chặng đường dài. Việt Nam đã có một số khu công nghiệp, nhưng mới chỉ có 2 trong số đó được nhà nước hỗ trợ. Intel hiện đóng đô ở khu công nghệ cao Sài Gòn nằm ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh.

Intel từng lên kế hoạch sẽ bắt đầu đưa vào sản xuất dây chuyền đóng gói và thử nghiệm vi mạch vào cuối 2009, nhưng mới đây, đại diện hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới đã phải thông báo lại. Kế hoạch sẽ được lùi tới quý 3 năm 2010.

Hiện tại, Intel đã đủ nguồn sản xuất hậu kì. Nhưng cơ sở ở Việt Nam vẫn là một phần cực kì quan trọng đối với Intel, nhất là hãng này đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất ở khâu hậu kì. Khi hoàn tất, cơ sở ở Việt Nam sẽ được coi là nhà máy độc lập lớn nhất trong mạng lưới lắp ráp và thử nghiệm sản phẩm của Intel.

“Chúng tôi mong rằng, việc xây dựng sẽ sớm được hoàn tất vào cuối năm nay và 2010, chúng tôi có thể đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Lí do khiến cho kế hoạch cũ ít nhiều chệch choạc, chậm hơn so với những gì đã vạch định là ở một vài khó khăn không lường trước được từ thực tế. Ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp khá nhiều trở ngại ngay trong năm đầu tiên, tiếp đến, các đối tác đã không đáp ứng được mong đợi của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đã khắc phục được mọi khó khăn đó để tiếp tục hoàn tất kế hoạch của mình.”

Ngoài Intel, V-Caps cũng vấp váp không ít khó khăn sau khi đã nhận “chứng thực đầu tư” 100% vốn đầu tư nước ngoài từ chính phủ Việt Nam. Với chứng thực “hạng sang”, V-Caps được phép xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch rộng 35000 mét vuông tại khu công nghệ cao Hoà Lạc ở Việt Nam.

V-Caps dự tính, nhà máy của tập đoàn này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối 2009. V-Caps hi vọng sẽ cung cấp hàng loạt gói khác nhau, như QFN (quad flat no-lead) và QFN (quad flat no-lead).

Tuy nhiên, dự án vẫn đang bị trì hoãn: “Tình trạng hiện nay của V-Caps đó là chúng tôi đã bảo đảm được 20 ha của mình ở khu công nghệ cao Hoà Lạc cũng như nhận được giấp phép đầu tư. Chúng tôi đang tích cực trong lộ trình nâng  mức vốn đầu tư. Đáng tiếc là lộ trình của chúng tôi đã bị chậm đôi chút do môi trường đầu tư hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự tin rằng, dự án của mình sẽ tiếp tục được triển khai khi Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, phải chờ đến 2010.”, đại diện công ty này cho hay.

GIÁNG CHÂU (Theo EEtimes)

TIN LIÊN QUAN