Ngành Văn hóa thể thao Hà Nội tích cực chuyển đổi số nhằm cải thiện quản lý dữ liệu

10:30, 12/10/2024

Với mục tiêu thay đổi toàn diện cách làm việc và quản lý dựa trên công nghệ số, Hà Nội đang tích cực triển khai các biện pháp chuyển đổi số nhằm cải thiện quản lý dữ liệu và kết nối giữa các cơ quan nhà nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách chuyển đổi số của Nhà nước, Sở Văn hóa và Thể thao cùng UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai hệ thống quản lý thông tin mới, tập trung vào khai thác dữ liệu văn hóa, thể thao và gia đình, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và kết nối thông tin trong hạ tầng.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trọng tâm là dữ liệu số và kết nối. Hiện nay, chuyển đổi số giờ không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong quản lý nhà nước hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính và nhân lực ngày càng thắt chặt.

Nhận thấy tầm quan trọng đó, ngày 09/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước. Mục tiêu của Nghị định là tạo ra một hệ thống dữ liệu thông suốt, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Việc chia sẻ này phải đảm bảo bảo mật thông tin, không thu phí trừ những trường hợp đặc biệt. Đồng thời, Nghị định cũng nghiêm cấm các hành vi cản trở hoặc vi phạm quyền sử dụng dữ liệu hợp pháp.

Nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số

Với mục tiêu thay đổi toàn diện cách làm việc và quản lý dựa trên công nghệ số, Hà Nội đang tích cực triển khai các biện pháp chuyển đổi số nhằm cải thiện quản lý dữ liệu và kết nối giữa các cơ quan nhà nước. UBND Thành phố đã ban hành quyết định số 3478/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dữ liệu mở của thành phố Hà Nội. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao có các danh mục như: Cơ sở dữ liệu số 3D Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám; lịch các chương trình sự kiện cộng đồng; dữ liệu về thành tích thể thao: Giải quốc gia, giải quốc tế.

Sở VHTT Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay, các hoạt động thu nhận, quản lý lưu trữ, bảo quản và cung cấp các dữ liệu từ cấp Sở đến các đơn vị trực thuộc Sở; đến UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu diễn ra theo phương pháp thủ công dạng hồ sơ, tài liệu giấy và được lưu trữ rải rác theo chức năng, nhiệm vụ tùy từng đơn vị, dẫn đến sự phân tán và khó khăn trong việc lưu trữ, tra cứu.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, Sở VHTT đã triển khai một số nhiệm vụ quan trọng từ năm 2022-2023 đến nay, bao gồm số hóa tài liệu lưu trữ, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số và phần mềm Thư viện số. Hệ thống này không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Đáng chú ý, phương án thiết kế phần mềm được xây dựng để hệ thống hoạt động trên nền tảng web, đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật và khả năng mở rộng.

Sau một năm đi vào hoạt động, hệ thống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về quản lý, lưu trữ dữ liệu, tuy nhiên phạm vi hoạt động của hệ thống trước mắt chỉ ứng dụng trong mạng nội bộ của cơ quan quản lý, chưa thực hiện kết nối tới cấp cơ sở, địa phương nên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, gây hạn chế về khả năng chia sẻ thông tin.

Sở VHTT Hà Nội cho biết, hệ thống quản lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu về văn hóa và thể thao đã đạt được những ưu điểm nhất định, như việc xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý và thực hiện số hóa dữ liệu theo hệ thống.

Tuy nhiên, hệ thống vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần thời gian và tìm phương án để khắc phục. Đến hiện tại, cơ sở dữ liệu chỉ hoạt động nội bộ và chưa kết nối được với các địa phương, cơ sở khác. Hạ tầng kỹ thuật và thiết bị chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế, trong khi các cơ chế kết nối thông tin với Bộ và Ngành liên quan vẫn còn thiếu, gây khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, việc tạo lập cơ sở dữ liệu giai đoạn trước gặp khó khăn do hồ sơ, tài liệu bị phân tán, hư hỏng hoặc thất lạc. Cuối cùng, chưa có hồ sơ phê duyệt về đề xuất cấp độ an toàn thông tin mạng, cần sớm khắc phục để đảm bảo an toàn cho dữ liệu.

Cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành

Để triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ một cách hiệu quả, Sở VHTT Hà Nội cho rằng, cần thiết phải có tính tổng thể và đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Bên cạnh đó, Theo Sở VHTT Hà Nội thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét và bổ sung quy định về vị trí việc làm liên quan đến công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các cơ quan trong ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, bổ sung văn bản mang giá trị pháp lý về cách tính định mức số hóa 3D lĩnh vực di sản.